Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên được mở rộng để giải quyết các vấn đề xung đột quốc tế, đáp ứng các nhu cầu địa chính trị hiện đại.
“Chủ nghĩa đa phương thực sự… đòi hỏi Liên hợp quốc phải thích ứng với các xu hướng khách quan của cấu trúc đa cực đang hình thành trong quan hệ quốc tế", Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói trong bài phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York hôm 24/4.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: mid.ru)
Ông Lavrov giải thích rằng điều này có nghĩa là quá trình cải cách của Hội đồng Bảo an phải được “đẩy nhanh với việc có thêm đại diện của các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh trong đó” .
“Việc phương Tây chiếm quá nhiều đại diện hiện nay trong cơ quan quan trọng này của Liên hợp quốc đang làm suy yếu nguyên tắc đa cực", Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Lavrov không nói rõ về việc các quốc gia từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh nên bổ sung vào vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an hay đại diện không thường trực ở các khu vực.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) hồi tháng 9 năm ngoái, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ủng hộ Ấn Độ và Brazil là thành viên thường trực.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện bao gồm 5 thành viên thường trực, mỗi thanh viên có quyền phủ quyết - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ, và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu 2 năm một lần.
Theo các quy tắc hiện hành, 5 quốc gia châu Phi và châu Á, một quốc gia Đông Âu, hai quốc gia Mỹ Latinh và hai quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác sẽ giữ vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an.