Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga cải tiến 'lão tướng' thời Liên Xô thành tàu chiến nguy hiểm nhất thế giới

(VTC News) -

Mặc dù được sản xuất từ những năm 1980, được trang bị những loại tên lửa hàng đầu thế giới được trang bị, lớp tàu này đã biến thành “sát thủ” đại dương.

Hạm đội tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga bị thu hẹp nhanh chóng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chỉ còn 3 tàu tuần dương và 11 tàu khu trục hiện đang phục vụ. Lúc cao điểm từng có tới 37 tàu tuần dương và 52 tàu khu trục trong biên chế.

Nhiều lí do dẫn đến tình trạng này. Trước hết là kết quả của sự sụt giảm mạnh về cả GDP và chi tiêu quốc phòng so với thời kỳ Xô Viết. Bên cạnh đó, hải quân Nga tập trung nhiều hơn vào tàu ngầm, hệ thống phòng thủ bờ biển và các lớp tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ có khả năng mang các lớp tên lửa rất lớn so với kích thước của chúng. Đây cũng là nguyên nhân góp phần khiến hạm đội các tàu viễn dương lớn bị bỏ quên.

Việc thu hẹp quy mô hạm đội trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi Nga nhận ra tất cả các tàu tuần dương và tàu khu trục đang phục vụ trong biên chế ngày nay đều được chế tạo từ thời Liên Xô. Không chiếc tàu nào được đóng mới sử dụng nội địa kể từ khi Liên Xô tan rã. Chỉ có hai tàu khu trục lớp Sovrenemmy được chế tạo cho mục đích xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm 1990. 

Để bù đắp cho sự thiếu hụt các tàu chiến mặt nước hiện đại này, hải quân Nga đã đầu tư vào việc hiện đại hóa rộng rãi một số tàu cũ của mình, cho phép chúng duy trì khả năng và hiệu suất chiến đấu trong thế kỷ 21. Và một trong những chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng nhất của Nga đã được triển khai cho tàu khu trục lớp Udaloy Marshal Shaposhnikov.

Tàu khu trục lớp Sovrenemmy của hải quân Nga.

Các tàu khu trục lớp Udaloy được đưa vào phục vụ từ năm 1980 đến năm 1995 với 13 chiếc đã hoàn thành, trong đó có 8 chiếc hiện đang hoạt động trong hải quân Nga. Nghĩa là lớp tàu này đại diện cho phần lớn hạm đội tàu khu trục Nga ngày nay. 

Các lớp Udaloy và Sovremenny được phát triển và đóng song song, lớp Udaloy tập trung vào tác chiến chống tàu ngầm trong khi lớp Sovremenny mang tên lửa hành trình chống tàu P-270 có tầm bắn rất xa để chống các tàu mặt nước kẻ thù. 

Kể từ đó, Nga đã không còn phụ thuộc vào các tên lửa quá khổ vì các thế hệ tên lửa mới hơn đã đạt được khả năng tương tự về tầm bắn, hiệu suất bay và tốc độ nhưng có kích thước nhỏ gọn hơn. Và kết quả là lớp tàu Udaloy được coi là khả thi hơn để tiến hành nâng cấp.

Cải tiến tàu khu trục lớp Udaloy 

Tàu khu trục lớp Udaloy Marshal Shaposhnikov, được đưa vào hoạt động năm 1985, đã nhận những cải tiến lớn về cảm biến, thiết bị điện tử và vũ khí từ năm 2017, bao gồm thay thế 8 tên lửa hành trình chống tàu P-270 bằng 16 ống phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng 3S14 mới, cung cấp khả năng tương thích với các lớp tên lửa hành trình mới nhất của Nga. 

Nó cũng tích hợp hai bệ phóng 3S24 có bốn ống phóng cho tên lửa hành trình chống hạm cận âm Uran - loại tên lửa ít khi được triển khai trên các tàu mặt nước của Nga có nguồn gốc gần giống với Kh-35 phóng từ trên không.

Tàu khu trục lớp Udaloy của hải quân Nga.

Marshal Shaposhnikov vẫn giữ được khả năng phòng không với kho vũ khí gồm 64 tên lửa đất đối không tầm ngắn tương tự hệ thống Tor trên mặt đất, mặc dù được tối ưu hóa để đánh chặn tên lửa hành trình nhưng cũng có khả năng tấn công mọi loại máy bay. 

Con tàu được đưa vào hoạt động trở lại từ năm 2020 và sau đó cũng được tích hợp tên lửa chống ngầm Otvet mới - vốn được thử nghiệm thành công vào năm 2021 trước khi được đưa vào trang bị đại trà.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về khả năng của Otvet, nhưng nó được coi là một trong những vũ khí chống tàu ngầm mạnh nhất của Nga, góp phần bổ sung cho quá trình hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa hành trình trên tàu Shaposhnikov.

Cải tiến đáng chú ý nhất đối với tàu Shaposhnikov là việc tích hợp tên lửa hành trình siêu thanh Zicron, đã được xác nhận vào cuối năm 2019 và được hỗ trợ bằng cách tích hợp hệ thống phóng thẳng đứng 3S14. 

Tên lửa Zicron

Zicron được coi là loại tên lửa hành trình chống hạm nguy hiểm nhất trên thế giới, với tốc độ Mach 9 hoàn toàn vô song, khả năng cơ động rất cao. Với tầm bắn 1.000 km cho phép các tàu triển khai tên lửa này thực hiện kiểm soát trên các khu vực biển cực rộng và có khả năng vô hiệu hóa các hạm đội lớn của kẻ thù.

Lợi thế về tầm bắn và tốc độ của Zicron làm cho các hệ thống phòng thủ hiện tại gần như không thể đánh chặn được. Tàu Shaposhnikov được đánh giá có hỏa lực mạnh, bao gồm 16 tên lửa Zicron, 8 tên lửa Uran, cùng kho vũ khí phòng không và chống tàu ngầm hiện đại. Chỉ riêng Zircon đã có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ nhóm tàu tấn công mặt nước mà không cần phải sử dụng các loại vũ khí khác. 

Tàu Nguyên soái Shaposhnikov.

Tên lửa Zicron rất phù hợp với vị trí hoạt động của tàu Shaposhnikov trong hạm đội Thái Bình Dương, nơi hải quân Nga bị áp đảo rất nhiều bởi các hạm đội phương Tây và đồng minh, cũng như hoạt động trên các khu vực rộng lớn hơn so với Hạm đội Biển Đen hoặc Baltic. 

Dự kiến, các tàu chiến của Nga ở Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được ưu tiên tích hợp các loại tên lửa mới đắt tiền, mà ngay cả chỉ với số lượng nhỏ cũng là yếu tố thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. 

Zicron cũng dự kiến ​​sẽ được triển khai từ máy bay ném bom và máy bay chiến đấu trong tương lai dưới dạng biến thể phóng từ trên không, trong khi hệ thống phòng thủ bờ biển trên mặt đất cũng sẽ được tích hợp tên lửa phiên bản Zicron tương ứng.

Mô hình tên lửa Zicron.

Với những vũ khí như vậy, tàu Shaposhnikov là một ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Hải quân Nga. Tên lửa Harpoon và SM-6 của Mỹ, thậm chí cả YJ-18 và YJ-100 của Trung Quốc đều không đạt được khả năng tác chiến tương tự như Zicron.

Điểm yếu của Shaposhnikov là thiếu khả năng phòng thủ diện rộng do tầm bắn hạn chế của tên lửa đất đối không, có nghĩa là nó sẽ cần sự yểm trợ từ các tàu có khả năng phòng không tầm xa hơn.

Hiện tại lớp tàu khu trục tương lai của Nga được thiết kế như một biến thể mở rộng của khinh hạm Đô đốc Gorshkov, được cho là sẽ triển khai các tên lửa đất đối không tầm xa dựa trên những tên lửa của hệ thống S-400, nhưng vẫn chưa có chiếc tàu nào trong số này được đặt đóng. 

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)

Tin mới