Tắm gội giúp chúng ta sạch sẽ và đem lại cảm giác khỏe khoắn, nhưng tắm gội không đúng cách lại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ra các sự cố nguy hiểm. Việc gội đầu ảnh hưởng đến bộ não, trung tâm của hệ thần kinh, còn việc tắm toàn thân tác động không nhỏ đến gan, tim, phổi, xương khớp... Do đó, nên tắm trước hay gội đầu trước để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là điều mọi người đều cần quan tâm.
Nói về trình tự tắm gội, các chuyên gia khuyên trước hết nên tắm từ cổ trở xuống, sau đó mới quay trở lại phần đỉnh đầu. Nước tắm gội không nên quá lạnh hoặc quá nóng vì sẽ gây ốm hoặc đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
Không phải ai cũng biết nên tắm trước hay gội đầu trước để không ảnh hưởng sức khỏe. (Ảnh: Youngisthan)
Theo Zaobao, TS.BS Wu Li-Fen, Phó trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Qianwei (Cát Lâm, Trung Quốc) cho biết, việc tắm gội đúng cách có tác dụng rất tốt trong việc loại bỏ mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, ngăn ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và chống lão hóa. Về việc nên tắm trước hay gội đầu trước, TS Wu cho rằng trình tự đúng là: Đầu tiên rửa mặt trước, sau đó làm sạch cơ thể và cuối cùng mới gội đầu.
Khi vệ sinh cơ thể, nên bắt đầu từ chân tay, đợi cơ thể thích ứng rồi mới tắm vòi sen và cuối cùng là gội đầu để tránh thay đổi nhiệt độ quá đột ngột, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong não.
Khi gội đầu, bạn nên làm ướt tóc hoàn toàn bằng nước rồi mới bôi dầu gội, massage một lúc rồi xả sạch với nước, sau đó thoa đều dầu xả, massage nhẹ nhàng trong 3 - 5 phút và gội sạch.
TS Wu Li-Fen cũng nhắc nhở, mạch máu của con người rất yếu, nhìn chung sẽ "sưng lên" khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, thậm chí có thể vỡ. Nếu bạn ở nơi khí hậu lạnh, cơ thể đang lạnh, khi gội đầu trước với nước nóng, máu sẽ đột ngột tích tụ trên đầu, dễ gây ra các vấn đề về mạch máu não.
Vì vậy, bạn nên nhớ hãy gội đầu sau cùng.
Những thời điểm sau không phù hợp cho việc tắm gội:
- Khi đói bụng: Việc tắm lúc này dễ gây hoa mắt, chóng mặt do tụt đường huyết.
- Khi vừa ăn no: Nếu tắm lúc này, bạn có thể bị chướng bụng, đau dạ dày. Nên tắm sau khi ăn 1-2 giờ.
- Khi cơ thể đang ra nhiều mồ hôi. Đây là thời điểm bạn dễ bị nhiễm phong hàn nếu tắm. Nên chờ ít nhất 30 phút để cơ thể ráo mồ hôi và hạ nhiệt mới nên tắm.
- Khi đang say bia rượu: Nếu tắm, bạn sẽ làm nặng thêm tình trạng choáng váng, có thể bị đột quỵ.
- Lúc tỉnh dậy vào sáng sớm: Lúc này các chức năng cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, nên chờ ít nhất 30 phút sau khi thức dậy mới đi tắm gội.
- Sau 22h: Việc tắm quá khuya ảnh hưởng tới tuần hoàn máu, có thể dẫn đến đột tử. Tốt nhất nên tắm gội trước 20h và làm khô tóc hoàn toàn trước khi đi ngủ.
- Khi cơ thể đang rất mệt mỏi, ốm, sốt cao: Chỉ nên lau sạch cơ thể bằng khăn nhúng nước ấm, đối với tóc thì có thể “chữa cháy” bằng dầu gội khô.
Về nhiệt độ nước, nước quá lạnh dễ gây cảm mạo. Nhiều người ngất xỉu trong nhà tắm do dùng nước quá lạnh, nhất là người già hay người có bệnh tim mạch. Ngược lại, việc tắm gội đầu với nước quá nóng lại khiến tóc bị khô và hư tổn nhanh chóng, da khô, các mao mạch trên da giãn nở quá mức làm tăng huyết áp và các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Do đó, nước tắm gội nên ấm vừa phải, nhiệt độ dao động từ 38 đến 44 độ C. Ở mức nhiệt này, da và tóc đều được làm sạch mà không mất lớp dầu tự nhiên. Nước ấm vừa còn giúp cho da đầu và cơ thể làm quen với nhiệt độ ở ngưỡng dễ chịu nhất, tránh các ảnh hưởng không mong muốn.
Vào mùa đông, thay vì dùng nước quá nóng, bạn nên ấm phòng tắm như sử dụng đèn sưởi, hệ thống sưởi sàn, dùng bồn tắm giữ nhiệt… Ngoài ra, thiết kế phòng tắm cũng cần kín gió để tránh hơi lạnh hoặc gió độc xâm nhập.
Không nên tắm gội quá kỹ. Thời gian gội đầu thích hợp là từ 5 – 7 phút, thời gian tắm từ 7 – 10 phút. Việc ở quá lâu trong phòng tắm có thể khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí gây thiếu máu cơ tim, thiếu oxy lên não, gây bệnh tim mạch.
Sau khi tắm, đừng quên sấy khô tóc và lau khô cơ thể để tránh bị nhiễm lạnh.