Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nên làm gì để tránh 'sập bẫy' bảo hiểm?

(VTC News) -

Làm gì để tránh tranh chấp về pháp lý và đảm bảo được quyền lợi chính đáng khi mua bảo hiểm đang là vấn đề được nhiều người quan tâm sau những "lùm xùm" vừa qua.

Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) thông tin, trên thị trường có rất nhiều loại bảo hiểm, được phân loại theo đối tượng hoặc hình thức tham gia. Cơ bản có 2 loại chính là bảo hiểm do Nhà nước thực hiện và bảo hiểm thương mại.

Bảo hiểm do Nhà nước gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người tham gia, do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện dựa trên các văn bản pháp lý. Trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, người tham gia sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập chính do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động. Hiện nay có nhiều hình thức để người dân có thể đăng ký tham gia, tùy theo nhóm đối tượng bắt buộc hoặc tham gia tự nguyện. Với mỗi hình thức, người tham gia sẽ được hưởng những quyền lợi và chế độ khác nhau. "Đây là loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức nên an toàn, ít rủi ro nhất", ông Hòe nói.

Chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng khi ký hợp đồng bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Loại hình bảo hiểm thương mại bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Đối với những loại bảo hiểm này người mua nên tìm hiểm rõ chính sách, chọn công ty uy tín, tìm hiểu các gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của bản thân cũng như có chi phí hợp lý.  

Những thông tin quan trọng nhất trong một hợp đồng bảo hiểm, theo luật sư Hòe đó là: "Người mua bảo hiểm cần phải biết tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm; Kiểm tra chính xác tên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; đối tượng được bảo hiểm; số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm; mức phí bảo hiểm và phương thức đóng phí, thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; các quy định giải quyết tranh chấp; ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng".

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, Chủ tịch SBLaw nêu quan điểm, mỗi loại bảo hiểm đều có mục đích và ý nghĩa riêng, mục đích của bảo hiểm không xấu mà ngược lại đây còn là một sản phẩm hết sức nhân văn và cần thiết trong cuộc sống vì nó bảo vệ cho bản thân chúng ta, cho con và người thân chúng ta trước những rủi ro và đảm bảo an sinh xã hội.

“Hầu hết tại các nước tiên tiến, trung bình một người dân đều có ít nhất 2 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, ở Mỹ, Anh, Nhật tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ là trên 90%. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ của các nước láng giềng cũng cao vượt trội: Singapore là 80%, Malaysia 50%. Và ở nước ta cũng có Luật Kinh doanh bảo hiểm để điều chỉnh cho lĩnh vực kinh doanh này.

"Nhưng để lợi ích đó phát huy đúng và đủ giá trị thì khách hàng phải lựa chọn đúng sản phẩm, tham gia với mức phí phù hợp với tài chính bản thân và đặc biệt khách hàng cần tìm hiểu và đảm bảo hiểu rõ các quy định trong hợp đồng bảo hiểm trước khi ký, có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi và tránh được những rủi ro không đáng có”, ông Hà nói.

Trên thực tế, hợp đồng bảo hiểm thường dài và rất nhiều điều khoản, rất khó để nắm bắt và hiểu rành mạch các vấn đề, các điều khoản loại trừ.

Thêm vào đó, nhiều tư vấn viên cũng hay nói quá hoặc tư vấn không đầy đủ về quyền lợi, sản phẩm với mục đích nhằm bán được bảo hiểm. Điều này dẫn đến việc khách hàng hiểu sai và bị thiệt thòi nếu tranh chấp xảy ra.

“Khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin của các chuyên viên tư vấn bảo hiểm qua công ty như: tên tuổi, chức vụ, số năm làm việc, bằng cấp...để tránh bị kẻ gian lợi dụng”, luật sư Trương Quốc Hòe tư vấn.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định, thực tế cho thấy, chất lượng tư vấn viên không đồng đều là một trong những nguyên nhân làm tăng sự hoài nghi của người dân về bảo hiểm và dẫn đến những tranh chấp không đáng có.

“Đây cũng là lời nhắc nhở về vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng cũng như cảnh báo người mua bảo hiểm trước những thông tin mà nhân viên tư vấn cung cấp cần tỉnh táo và tuyệt đối không ký vào những giấy tờ, tài liệu mà mình chưa hiểu rõ nội dung”, ông Hà nói.

PHẠM DUY

Tin mới