Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nào đến tận 99 tuổi?

(VTC News) -

Chuyên gia bảo hiểm khuyến cáo, nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kéo dài đến năm 99 tuổi chỉ là tăng tính hấp dẫn để mời chào khách và thực tế gần như không ai cần.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, khi trả lời VTC News về những điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang khiến dư luận quan tâm.

Ông Xuân phân tích: Bản chất bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ cho người trụ cột và được kích hoạt cho các rủi ro như người trụ cột tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn, không còn khả năng lao động. Tức là đến thời điểm đó người được bảo hiểm nếu bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong thì sẽ trả một số tiền bảo hiểm được quy định trên hợp đồng.

Nhưng thực tế, khi người trụ cột tham gia bảo hiểm đến độ tuổi 65 - 70 thì lúc đó con cái họ (người phụ thuộc) cũng vào khoảng 30 - 35 tuổi. Lúc này người trụ cột không còn là trụ cột nữa, mà chuyển sang người phụ thuộc. Ngược lại, người phụ thuộc đổi vai là người trụ cột và mới cần được bảo hiểm. Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, cũng chẳng ai mong muốn cha mẹ mình qua đời hoặc gặp thương tật vĩnh viễn để hưởng cục tiền cả.

Thứ nữa, nói bảo hiểm trọn đời, nhưng sau 70 tuổi mà duy trì bảo hiểm đó thì phí còn cao hơn chi phí chăm sóc người già. Nên lúc đó gần như không ai cần bảo hiểm.

"Thực tế, đến tầm 65 - 70 tuổi, rủi ro chính của người độ tuổi này là bệnh tật thì không công ty nào nhận bảo hiểm cho chi phí y tế. Nên không có chuyện bảo hiểm cho các rủi ro bệnh tật đến 99 tuổi được", ông Nguyễn Khắc Xuân nói.

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, những người trên 65 tuổi cũng cần được bảo vệ trước rủi ro ốm đau, bệnh tật, chi phí y tế…Tham gia bảo hiểm là một giải pháp để đảm bảo nguồn tài chính trước rủi ro tai nạn, bệnh hiểm nghèo, ung thư, tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Nhưng nên tham gia các chương trình bảo hiểm truyền thống, thuần bảo vệ, không tích lũy. Trong khi bảo hiểm nhân thọ thường không bán bảo hiểm thuần bảo vệ mà lồng vào đó khoản tích lũy. Ví dụ, để bảo vệ cho một rủi ro hạn mức bảo hiểm chỉ cần khoảng 5 triệu/năm, nhưng người ta lại thiết kế lên 20 triệu/năm. Vốn tiền đó là khoản huy động của khách hàng mà không cam kết lãi hoặc lãi cam kết rất thấp, kém xa lãi ngân hàng.

“Khi mua bảo hiểm nên chọn những gói bảo vệ tối đa, tích lũy tối thiểu. Tôi không bao giờ mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có tích lũy. Hiện nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ thiết kế gói bảo hiểm nhưng chức năng bảo vệ thì ít mà tích lũy thì nhiều, bản chất là vay tiền của khách hàng để đi đầu tư, kiếm lãi, lãi chia với khách hàng, lỗ thì khách hàng chịu. Tôi cho rằng bảo hiểm đến 99 năm thì nghe rất hài hước với người hiều biết về bảo hiểm”, ông Xuân nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng người dân nên cân nhắc thật kỹ lưỡng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ trọn đời thường đến 99 tuổi. Theo luật sư Tuấn, trước khi mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, người tham gia cần nắm được các quy định liên quan tới thời gian đóng bảo hiểm nhân thọ.

Trước khi ký hợp đồng, khách hàng nên thận trọng xem các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm, tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng...Trường hợp phát hiện sai sót hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, khách hàng nên liên hệ ngay với tư vấn viên hoặc công ty bảo hiểm để được hỗ trợ, giải đáp. 

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn cũng cho hay hiện có nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ ép chỉ tiêu nên có trường hợp đại lý, tư vấn viên tư vấn không đúng cho khách hàng. Do đó, công ty bảo hiểm cần nâng cao trình độ tư vấn viên, xử lý nghiêm các tư vấn viên tư vấn lập lờ, thiếu trình độ, chỉ để ký được hợp đồng bảo hiểm với khách.

Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm cũng cần giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia. 

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm.

Đồng thời, yêu cầu đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu các doanh nghiệp này rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

“Khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng; trường hợp khách hàng có phản ánh qua các cơ quan thông tấn báo chí về việc ký kết và thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn báo chí”, văn bản nêu rõ.

Hòa Bình

Tin mới