Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NATO lo lắng khi Belarus sở hữu pháo tên lửa nguy hiểm nhất châu Âu

(VTC News) -

Với tầm bắn lên tới 300km, đây là hệ thống pháo tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay, được xem là sự bổ sung quan trọng cho quân đội Belarus trước các nước NATO.

Quân đội Belarus vừa được nhận các hệ thống pháo tên lửa Polonez-M, đây là sản phẩm được phát triển chung với Trung Quốc. Việc tiếp nhận vũ khí mới được tổ chức trong một buổi lễ có sự tham dự của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Belarus, Thiếu tướng Viktor Gulevich.

Lãnh đạo của chúng tôi rất quan tâm vào việc phát triển lực lượng tên lửa và pháo binh, đặc biệt là học hỏi từ các quân đội có kinh nghiệm như Trung Quốc”, ông Viktor Gulevich tuyên bố tại sự kiện, đồng thời ông cũng nhấn mạnh các khả năng tiên tiến của Polonez-M.

Polonez-M là chương trình hợp tác phát triển vũ khí chung giữa hai nước, phía Belarus chịu trách nhiệm sản xuất các phương tiện và bệ phóng cho tên lửa, còn Trung Quốc tập trung sản xuất loại đạn tên lửa với tầm bắn được cho là xa nhất thế giới.

Trong buổi lễ bàn giao, điều đáng chú ý là chỉ có các bệ phóng tên lửa được trưng bày, điều này cho thấy rằng việc chuyển giao đạn tên lửa từ Trung Quốc có thể đang chờ xử lý.

Hệ thống Polonez-M của Belarus.

Polonez-M được nhiều người coi là hệ thống pháo tên lửa có khả năng mạnh nhất ở châu Âu và không có đối thủ nào ngang hàng trong số các hệ thống được các quốc gia thành viên NATO hoặc Nga trang bị.

Đặc điểm đáng chú ý nhất của Polonez-M là có tầm bắn lên tới 300km, tức là tương đương với tầm bắn của tên lửa đạn đạo Scud-B và gấp 2 đến 3 lần so với hầu hết các hệ thống pháo tên lửa hiện đại khác trên thế giới. Hệ thống Tornado-S hiện đại của Nga cũng chỉ có tầm bắn 90 km và khi được nâng cấp tầm bắn cũng chỉ lên tới 120 km.

Tên lửa M20 mà Polonez sử dụng do Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc sản xuất. Mỗi tổ hợp Polonez-M có thể mang 8 tên lửa M-20 và tấn công đồng thời vào các mục tiêu khác nhau với độ chính xác cao. 

Việc đẩy nhanh quá trình mua các hệ thống Polonez diễn ra khi Belarus bắt đầu quan tâm hiện đại hóa kho vũ khí cho lực lượng vũ trang của mình. Trước đó, để bổ sung cho năng lực tấn công tầm xa, Belarus cũng đã mua một số hệ thống Iskander-M từ Nga.

Belarus cũng đã tham gia thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Nga, vì vậy việc mua những hệ thống Iskanders với khả năng mang đầu đạn hạt nhân được xem là bổ sung quan trọng để bảo đảm an ninh cho đất nước này. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Polonez cũng mang lại cho Quân đội Belarus khả năng tấn công tầm xa và là cách để đáp trả lại những leo thang quân sự của các nước NATO.

Việc Trung Quốc trang bị vũ khí cho Belarus, một đồng minh của Nga, được xem là động thái ủng hộ Moskva chống lại NATO mà không cần can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã cung cấp hệ thống phòng không HQ-22 cho một đối tác quân sự quan trọng khác của Nga ở Châu Âu là Serbia vào tháng 4/2022.

Tên lửa M20.

Hệ thống pháo tên lửa Polonez

Polonez là hệ thống tên lửa phóng loạt được phát triển để thay thế cho các hệ thống tên lửa pháo binh cũ từ thời Liên Xô như Uragan 220mm và Smerch 300mm. Sự phát triển của Polonez được hỗ trợ bởi Trung Quốc và dựa trên Hệ thống pháo phản lực A200. Đó là sự lựa chọn khá bất thường đối với Belarus, khi nhận thiết kế của Trung Quốc thay vì của Nga.

Polonez được giới thiệu công khai lần đầu tiên vào năm 2015. Tất cả các cuộc thử nghiệm đã được hoàn thành vào năm 2016. Việc các hệ thống Uragan và Smerch trong kho vũ khí của Belarus đang ngày càng khó duy trì hơn, do tuổi tác và tình trạng hao mòn đã khiến nước này phải tìm kiếm một giải pháp thay thế.

Polonez mang theo hai bệ phóng với bốn tên lửa 300mm mỗi bệ. Mỗi tên lửa dài 7,26m và nặng 750kg. Tên lửa có sự kết hợp dẫn đường quán tính và GPS. Tên lửa có độ chính xác khoảng 30 đến 50 mét. So sánh với tên lửa Smerch, Polonez có tầm bắn gấp đôi, nhưng hỏa lực không mạnh bằng. Polonez là một hệ thống mô-đun nên nó cũng có thể bắn các loại đạn tên lửa khác cùng cỡ.

Mất 50 giây để khởi động một loạt 8 tên lửa trên hệ thống Polonez và các tên lửa có thể độc lập tấn công các mục tiêu riêng lẻ. Polonez được đáng giá cực kỳ hiệu quả trong việc tiêu diệt sinh lực tập trung, trận địa pháo binh, các khẩu đội phòng không, sân bay, sở chỉ huy và các mục tiêu khác.

Hệ thống pháo tên lửa Polonez.

Hệ thống pháo binh Polonez được vận hành bởi tổ lái gồm 3 người, bao gồm chỉ huy, người lái xe và người điều hành. Tên lửa có thể được phóng trực tiếp từ cabin, hoặc từ xa bằng cách sử dụng bộ điều khiển từ xa.

Bệ phóng Polonez được đặt trên khung gầm xe MZKT-7930 có tính di động cao. Loại khung gầm 8x8 này thường được Nga sử dụng để mang các hệ thống tên lửa hoặc các thiết bị chuyên dụng. Xe được trang bị động cơ diesel tăng áp YaMZ-846 500 mã lực.

Mỗi hệ thống tên lửa Polonez được hỗ trợ bởi một xe nạp đạn có trang bị cần trục thủy lực và chở được hai thùng chứa với 8 tên lửa. Việc nạp lại tên lửa thường diễn ra cách xa vị trí bắn để tránh bị phản pháo.

Polonez-M là phiên bản cải tiến có khả năng mang và phóng tên lửa M20 do Trung Quốc sản xuất. Polonez-M đã được trình diễn và ra mắt thử nghiệm trong năm 2017. Theo kế hoạch, tên lửa M20 của Trung Quốc sẽ được sản xuất theo giấy phép ở Belarus.

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)

Tin mới