Video: Nam thanh niên Thái Bình tạm gác giấc mơ đại học, tình nguyện lên đường nhập ngũ
Xếp lại tập sổ sách với những dòng ghi chép các bài học còn dang dở, Phạm Quang Cần (SN 2003, ở thôn Hưng Đạo, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tạm gác lại quãng thời gian làm sinh viên để lên đường nhập ngũ.
“Từ nhỏ, hình ảnh ông ngoại, bác, chú mặc quân phục màu xanh với khí chất của người lính Cụ Hồ đã nuôi dưỡng trong em ước mơ một ngày cũng được khoác trên mình màu xanh áo lính.
Trở thành sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội không lâu cũng là lúc em quyết định bảo lưu kết quả học tập. Ngày 14/10/2021, em đặt bút ký vào lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Em rất vui vì mình đủ điều kiện trở thành tân binh trong đợt này”, chàng thanh niên với dáng người cao ráo, nụ cười hiền vừa chia sẻ vừa nhanh tay thu dọn đồ đạc và chuẩn bị hành trang cho ngày bước chân vào quân ngũ.
Ngày 16/2, chàng thanh niên Phạm Quang Cần lên đường nhập ngũ, tiếp nối truyền thống của gia đình.
Giấc mơ vào quân ngũ
Cần là con một trong gia đình. Bố mẹ em hiếm muộn, lấy nhau 24 năm và phải chạy chữa rất nhiều nơi mới sinh được em. Mặc dù tuổi cao nhưng ông bà tần tảo sớm hôm, dựa vào ruộng đồng cùng những buổi phụ hồ để mưu sinh, nuôi dưỡng con trai trưởng thành, ngoan ngoãn.
Đáp lại sự kỳ vọng của bố mẹ, Cần luôn chăm chỉ học tập và tự lập trong cuộc sống, không đua đòi theo những cuộc chơi hay thú vui làm bản thân lệch lạc. Lúc rảnh rỗi, Cần giúp bố mẹ việc nhà. Thời gian này, Cần còn phụ đạo các em học sinh lớp dưới bộ môn Sử, Địa, giúp các em củng cố kiến thức, vững vàng tâm lý khi đối diện với những cuộc thi mang tính quyết định của cuộc đời.
Để hiện thực hoá ước mơ của mình, chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Quang Cần đăng ký nguyện vọng vào trường Sĩ quan Chính trị. Cơ hội vuột khỏi tầm tay khi điểm số chưa đủ nhưng Cần không cho đó là thất bại bởi em đã định sẵn cho mình tâm lý nếu không đỗ đại học, em sẽ viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Cần sắp xếp lại sách vở, tài liệu học tập trước ngày lên đường nhập ngũ.
Sau khi nguyện vọng 2 đủ điểm vào trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Cần cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa sẵn sàng tâm lý lên đường nhập học. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Cần chưa một ngày được bước chân lên giảng đường đại học nhưng những buổi học online, được gặp bạn bè, thầy cô qua màn hình máy tính đã cho Cần cảm nhận cuộc sống sinh viên đầy nhiệt huyết.
“Dù vậy, em vẫn muốn được rèn luyện bản thân trong môi trường quân đội để sau này ra ngoài xã hội sẽ chững chạc và trưởng thành hơn nên em quyết định bảo lưu kết quả học tập, thực hiện nhiệm vụ với Tổ quốc.
Hơn nữa, khi đi học, rất nhiều khoản tiền phải chi tiêu như tiền ăn ở sinh hoạt, tiền học… Bố mẹ em chỉ làm nông, việc lựa chọn đi bộ đội em cũng muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình”, Cần tâm sự.
Sau những phút ngỡ ngàng của bạn bè, thầy cô là lời chúc mừng, động viên dành cho Cần khi em nói lời chia tay. Thời điểm ký vào đơn tình nguyện nhập ngũ, Cần còn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của bố mẹ, những người đã dành cả đời yêu thương, bao bọc em.
Niềm tự hào của cha mẹ
Ông Phạm Quang Cảnh (bố của tân binh Phạm Quang Cần) mái tóc đã ngả hoa râm, gương mặt sạm đen vì những thăng trầm của cuộc sống nhưng không giấu được ánh mắt xúc động khi nhắc về đứa con trai của mình.
“Con đã trưởng thành và chúng tôi tôn trọng mọi quyết định của con. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ con phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính, noi gương được bản chất và lối sống tốt đẹp nhất của gia đình từ trước tới nay để bố mẹ ở nhà không phải lo nghĩ gì.
Công việc của gia đình đã có anh em, bạn bè, hàng xóm giúp đỡ, con hãy yên tâm lên đường nhập ngũ”, khoé mắt ngấn lệ, ông Cảnh nói. Đó là giọt lệ của niềm tự hào, giọt lệ của một người bố chứng kiến con trai đã bước đến ngưỡng đường trưởng thành.
Ông Phạm Quang Cảnh ủng hộ quyết định bảo lưu kết quả học đại học, lên đường nhập ngũ của con trai.
Trong ký ức của mình, ông Cảnh không bao giờ quên được khoảnh khắc vui mừng của Cần những ngày còn bé khi con tự tay hoàn thành bức tranh vẽ người lính Cụ Hồ. Lúc đó ông Cảnh nghĩ đó là bản năng của Cần nhưng khi học đại học, Cần nói sẽ hoãn việc học để đi bộ đội thì ông biết đó là mơ ước của con nên đã gật đầu đồng ý.
“Cần thích làm bộ đội từ trước khi thi đại học nhưng chỉ nung nấu mà không nói ra. Bây giờ, ước mơ của con đã thành hiện thực”, ông Cảnh khẽ mỉm cười.
Là người từng phục vụ trong quân đội và trở về địa phương làm công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ, anh Nguyễn Viết Trường – Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quỳnh Thọ cũng kỳ vọng các tân binh sẽ học tập được tính kỷ luật trong môi trường quân đội, sau này ra xã hội sẽ bản lĩnh, vững vàng hơn nhiều.
Cũng theo anh Trường, năm nay, xã Quỳnh Thọ có 11 nam công dân nhập ngũ thực hiện hiện nghĩa vụ quân sự, trong đó 3 người thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân.
Tới thời điểm hiện tại, tất cả các trường hợp nhập ngũ của xã Quỳnh Thọ đều có tư tưởng ổn định sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
“Là một thanh niên, một người nam giới thì trước hết chúng ta phải làm gì để trả ơn cho Tổ quốc, tiếp nối truyền thống của ông cha, phải thực hiện xong nghĩa vụ quân sự của mình sau đó chúng ta sẽ thực hiện ước mơ của bản thân”, anh Trường trải lòng.