Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thanh niên Thái Bình nhập ngũ: 'Môi trường quân đội sẽ giúp em trưởng thành hơn'

(VTC News) -

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lê Văn Cường hăng hái đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự với hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp em trưởng thành và bản lĩnh hơn.

Video:  'Môi trường quân đội sẽ giúp em trưởng thành hơn'

Trả lời PV VTC News, Thượng tá Nguyễn Ngọc Công – Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho hay, quá trình khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm nay khác với mọi năm khi diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19, vừa phải đảm bảo thích ứng linh hoạt nhưng cũng phải đảm bảo đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, các khâu, các bước trong quá trình sơ, khám tuyển. Trong đó, nhiều thanh niên ở địa phương viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Rèn bản thân trong môi trường quân đội

12 năm ngồi trên ghế nhà trường luôn là học sinh khá nhưng Lê Văn Cường (SN 2003, xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình) phải từ bỏ giấc mơ học tập khi điều kiện gia đình không cho phép. Nhận được lệnh gọi nhập ngũ, Cường đề đạt với người thân nguyện vọng được rèn luyện trong môi trường quân đội và nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Cường sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho ngày lên đường nhập ngũ.

Những ngày giữa tháng 2 mưa rét, trong căn nhà nhỏ ở thôn Lương Cụ Bắc (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) mà mẹ con Cường sống 7 năm qua luôn rộn tiếng cười nói và những lời động viên chàng trai trẻ trước ngày nhập ngũ.

Cường bảo, nơi em đang ở là nhà của ông bà ngoại. Khi Cường học cấp 2, ngôi nhà cấp 4 của ông nội không đủ để 3 thế hệ sinh sống, mẹ đưa Cường và chị gái về ở nhờ nhà ông bà ngoại.

Nhà hai bên nội, ngoại cùng xã nên bà Đỗ Thị Hạnh (mẹ Cường) thuận tiện việc đi lại, chăm sóc chồng. Di chứng chất độc da cam khiến bố của Cường không được minh mẫn, không làm được việc nặng để có thu nhập, bà Hạnh bươn chải đủ nghề kiếm tiền nuôi chồng con.

Thời điểm Cường học cấp 3, bà Hạnh khăn gói lên Hà Nội làm thuê để có thêm kinh tế.

“Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng em luôn tự hào vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Đó cũng là nền tảng nuôi dưỡng trong em khát vọng tiếp bước truyền thống gia đình”, Cường chia sẻ.

Ông ngoại Cường từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Trở về địa phương, ông công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình, Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Phụ rồi nghỉ hưu. Căn nhà mới xây xong chưa được bâo lâu thì ông qua đời.

Ông cũng không thể chứng kiến cháu ngoại của mình khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính”, Cường trải lòng.

Ông nội của chàng thanh niên 18 tuổi cũng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương, mang theo di chứng chất độc da cam. Tuổi già, ông vẫn sống trong căn nhà cấp 4 ở xã Quỳnh Hồng cùng hai cháu ngoại và con trai bệnh tật.

Biết hoàn cảnh gia đình, suốt 12 năm học, Cường ngày nghỉ hay lúc có thời gian rảnh rỗi em lại phụ giúp gia đình việc nhà. Tốt nghiệp THPT, chưa đủ điều kiện đi học nghề, Cường xin vào làm thời vụ tại một công ty may trong thời gian 3 tháng.

Khi có lệnh gọi nhập ngũ em không ngần ngại đăng ký tham gia. Em hy vọng, môi trường quân đội sẽ giúp em trưởng thành và bản lĩnh hơn. Sau khi xuất ngũ em sẽ đi học nghề để có cho mình công việc ổn định, san sẻ bớt gánh nặng gia đình cùng mẹ.

Bỏ học giữa chừng em cũng có chút tiếc nuối nhưng em luôn dặn mình phải luôn nhìn về phía trước, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc sau đó mới tới ước mơ của mình”, Cường nói rồi nhanh tay với lấy đồ dùng cá nhân, từng vỉ thuốc bỏ gọn vào túi làm hành trang cho những ngày bắt đầu cuộc sống của một tân binh.

Đại tá Phạm Đức Kiên – Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình thăm, tặng quà tân binh Lê Văn Cường.

Trong lúc con trai đang chuẩn bị hành trang lên đường nhập ngũ thì bà Hạnh vẫn đang tất tả mưu sinh tại Hà Nội. Trò chuyện qua điện thoại, bà Hạnh không giấu được niềm tự hào khi nhắc tới con trai.

Với bà Hạnh, Cường luôn là đứa con ngoan, hiểu chuyện, chưa bao giờ khiến bà buồn lòng. Trong lòng bà luôn mang nặng tâm tư khi phải đi làm xa nhà lúc các con đang tuổi ăn học và không thể lo cho Cường đi học nghề.

“Nhưng con đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tôi chỉ biết động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, sau hai năm trở về với gia đình sẽ tiếp tục đi học, đi làm”, bà Hạnh tâm sự.

Là người thường xuyên chăm sóc Cường những ngày mẹ đi làm xa nhà, ông Đỗ Thế Tặng (64 tuổi, bác của Cường) cũng hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp cháu trai trưởng thành, rắn rỏi hơn.

Theo lời kể của ông Tặng, lúc Cường nói muốn đi nhập ngũ, ông đã không ngần ngại mà đồng ý bởi ông cũng từng công tác trong quân ngũ và hiểu rõ nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc của các thế hệ thanh niên.

Làm tốt công tác tuyển quân năm 2022

Thượng tá Nguyễn Ngọc Công – Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết năm nay, huyện Quỳnh Phụ được UBND tỉnh – Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình giao chỉ tiêu 365 tân binh. Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Phụ đã hiệp đồng giao nhận quân với 9 đầu mối đơn vị. Qua thâm nhập, 100% công dân trong diện nhập ngũ ngày 16/2/2022 đều có tư tưởng tốt, đã nhận lệnh và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Công – Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Phụ.

Chúng tôi làm tốt công tác quản lý số công dân nhập ngũ để đảm bảo tới ngày giao quân an toàn, đúng luật. Chúng tôi phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ xét nghiệm PCR cho các thanh niên trong diện nhập ngũ, trước ngày ra quân sẽ test nhanh để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Công nói.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tuyển quân, Thượng tá Công chỉ ra trước tiên là điều kiện khách quan vì dịch bệnh, nhiều trường hợp ở vùng dịch về phải cách ly.

Bên cạnh đó, số lượng người trong độ tuổi nhập ngũ trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học tỷ lệ ngày càng đông. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều thanh niên mắc phải tật khúc xạ về mắt hoặc có những thanh niên xăm khắp cơ thể…

“Từ nay tới lúc giao quân còn ít ngày nữa, tôi mong các bạn trẻ giữ gìn sức khoẻ, đặc biệt đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tiếp xúc đông người để tới ngày nhập ngũ có mặt đầy đủ với tâm thế tốt nhất.

Tôi rất kỳ vọng các bạn trẻ sau 2 năm rèn luyện trong môi trường quân đội, thời gian có thể chưa nhiều nhưng sau khi bước ra ngoài xã hội sẽ có kinh nghiệm, vốn sống nhất định để chững chạc tham gia vào các hoạt động”, Thượng tá Công chia sẻ.

Minh Khang - Nguyễn Huệ

Tin mới