"Chúng tôi kêu gọi Mỹ dừng ngay hành động khiêu khích như vậy và hạn chế các hành động trên biển để tránh các tai nạn quân sự có thể xảy ra", người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc Li Huamin cho biết hôm 28/8.
Ông Li lại dẫn ra lý do rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Martin đi vào khu vực ngoài khơi "quần đảo Tây Sa" mà không được Trung Quốc cho phép. Tuy nhiên, cái mà Trung Quốc gọi là "Tây Sa" thực chất là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Khu trục hạm USS Mustin. (Ảnh: US Navy)
Ông Li nói thêm rằng lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc đã giám sát và cảnh báo khu trục hạm của Mỹ trên Biển Đông.
Trước đó, trong thông báo đưa ra hôm 27/8, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa.
USNI News dẫn lời bà Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7 nhấn mạnh, hoạt động tự do hàng hải lần này nhằm duy trì các quyền, cũng như việc đi lại hợp pháp tại các vùng biển được quốc tế công nhận bằng cách thách thức các hạn chế bất hợp pháp với việc đi lại, đồng thời thách thức yêu sách đường cơ sở "tự vẽ" của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Động thái trên của Mỹ diễn ra một ngày sau khi SCMP đưa tin quân đội Trung Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Đông, trong động thái được cho là để cảnh báo Mỹ.
Nguồn tin của SCMP khẳng định động thái phóng tên lửa của Trung Quốc là để nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Washington.
“Đây là phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ tăng cường điều động chiến cơ và chiến hạm, tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông”, nguồn tin này khẳng định.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ đều cho rằng Bắc Kinh khó có thể đe dọa Washington bằng cách phóng tên lửa ra Biển Đông.