Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ Nicole Schwegman cho biết, 2 tàu chiến này là tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill.
"Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi đang làm việc để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, cũng như đảm bảo nguyên tắc quốc tế vốn là nền tảng cho an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Phát ngôn viên Schwegman nhấn mạnh.
Tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đông sau động thái mới của tàu khảo sát Trung Quốc tại khu vực này. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tàu tấn công USS America cho biết, lực lượng của ông đã liên lạc với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này.
"Tất cả các liên lạc của chúng tôi với Trung Quốc đều an toàn và chuyên nghiệp”, ông Kacher nói thêm.
Phát ngôn viên Schwegman không nêu vị trí hiện tại của 2 tàu chiến Mỹ, nhưng nguồn tin an ninh của Reuters cho biết, các chiến hạm này xuất hiện gần vị trí của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc và một tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas.
Hôm 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành vi bắt nạt trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về các hành động khiêu khích của Bắc Kinh.
"Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình, ngừng các hành động khiêu khích và gây bất ổn này", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Tuần trước, Reuters cũng dẫn dữ liệu của trang web Marine Traffic, chuyên theo dõi hải trình tàu biển cho biết, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đã quay trở lại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Con tàu này được nhìn thấy cách bờ biển Việt Nam khoảng 158 km, đi cùng có ít nhất 1 tàu hải cảnh Trung Quốc.
Liên quan tới hành động phi pháp này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố con tàu đang thực hiện "các hoạt động bình thường".
Tới ngày 17/4, Reuters dẫn 3 nguồn tin an ninh khu vực cho biết, tàu Hải Dương 8 đang đeo bám một tàu thăm dò của Petronas đang hoạt động trên biển Đông.