Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/4, liên quan tới thông tin Trung Quốc chuẩn bị đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
"Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực".
Bà Hằng cho biết, Việt Nam mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác vào mục tiêu nói trên.
Thủy phi cơ AG600 của Trung Quốc. (Ảnh: National Interest)
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 6/4 đưa tin, thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 của nước này đang trong quá trình tinh chỉnh, tối ưu hóa thiết kế tại thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc sẽ có chuyến bay đầu tiên từ Chu Hải.
Ông Lục Dương, Phó giám đốc dự án AG600 tại Kinh Môn cho biết, thủy phi cơ AG600 sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm trong năm nay.
AG600 là thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) thiết kế và sản xuất, sau gần 8 năm nghiên cứu.
Bắc Kinh từng không ít lần tự hào khi AG600 xô đổ kỷ lục của ShinMaywa US-2 Nhật Bản và Beriev Be-200 Nga để trở thành thủy phi cơ lớn nhất thế giới, với chiều dài thân máy là 39,3 m, sải cánh là 38,8 m, đường bay tối đa là 4.500 km.
Mặc dù, Trung Quốc "khiêm tốn" nói rằng AG600 sẽ chỉ được phục vụ công tác cứu hỏa cháy rừng và cứu hộ trên biển, cũng như hỗ trợ cho việc phát triển, khai thác, thăm dò tài nguyên biển.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, mưu đồ của Bắc Kinh thâm sâu hơn rất nhiều so với những gì họ nói và việc truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố AG600 liên tiếp thực hiện bay thử nghiệm thành công cho thấy thủy phi cơ này đã sẵn sàng hoạt động.
Video: Ngư dân kể giây phút bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa
Vasily Kashin, chuyên gia phân tích của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, mặc dù các tài liệu quảng cáo của Trung Quốc không hề đề cập tới mục đích quân sự, nhưng lịch sử cho thấy ít thủy phi cơ nào chỉ được dùng với mục đích chữa cháy hay cứu hộ.
Ngay cả ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga đều là di sản của Chiến tranh Lạnh.
“Khó có thể dùng mục đích dân sự để biện minh cho việc Trung Quốc đang phát triển AG600 cho mục đích quân sự”, chuyên gia này nhận định.