"Gói viện trợ này bao gồm đạn dược bổ sung và hỗ trợ cho hệ thống tên lửa pháo binh di động cao (HIMARS); đạn pháo 155mm và 105mm; đạn chùm; xe bọc thép, xe chống mìn (MRAP) và xe chiến thuật nhẹ; tàu tuần tra; vũ khí cỡ nhỏ; và khả năng chống tăng, bao gồm tên lửa Javelin", Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Thông báo này được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Mỹ. Tại đây, ông đã tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán tại Nhà Trắng trong nỗ lực kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ phương Tây.
Binh lính Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất. (Ảnh: Getty)
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine thêm bom chùm tầm trung và các loại vũ khí khác trong gói viện trợ quân sự này. Tuy nhiên, số lượng cụ thể từng loại vũ khí hiện chưa được tiết lộ.
Theo các báo cáo, ông Zelensky đã cam kết sẽ trình bày “kế hoạch giành chiến thắng” trong cuộc xung đột với Nga khi gặp Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Kế hoạch này sẽ cần tới tên lửa tầm xa sản xuất tại Mỹ.
Kiev đang yêu cầu các nhà tài trợ nước ngoài đẩy nhanh việc giao vũ khí và dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần từ chối.
Ngoài gói viện trợ mới nhất, Mỹ dự định triển khai hơn 8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, theo Reuters. Nhà Trắng còn gần 6 tỷ USD trong cơ chế đặc biệt do Quốc hội phê duyệt (PDA) nhằm tăng tốc viện trợ cho Kiev.
Theo nguồn tin, chính quyền ông Biden đã tham gia “các cuộc thảo luận khẩn cấp” với Quốc hội để cho phép sử dụng quỹ PDA cho Ukraine trước ngày 30/9, khi quyền hạn này hết hiệu lực.
Washington đã phê duyệt khoảng 175 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev kể từ khi xung đột bắt đầu vào năm 2022.
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng không có lượng viện trợ nào từ phương Tây có thể ngăn chặn quân đội đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự hoặc thay đổi kết quả cuối cùng của xung đột.