Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga bắn tên lửa Iskander phá hủy pháo phản lực HIMARS của Ukraine

(VTC News) -

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã sử dụng tên lửa Iskander để phá hủy hệ thống pháo phản lực HIMARS cùng kíp vận hành của Ukraine.

Theo RT, ngày 22/9 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng nước này phá hủy một hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất cùng toàn bộ kíp vận hành tại vùng Sumy của Ukraine.

Video tên lửa Iskander Nga phá hủy hệ thống pháo phản lực HIMARS của Ukraine. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

"Lực lượng vũ trang Nga sử dụng tên lửa chiến thuật Iskander tấn công vị trí đội pháo M142 HIMARS của lực lượng Ukraine tại khu định cư Shaposhnikovo (cách thủ phủ Sumy của tỉnh cùng tên 10 km về phía tây nam). Cuộc tấn công đã phá hủy một bệ phóng HIMARS, hai xe hộ tống và kíp vận hành", Bộ Quốc phòng tuyên bố và cho biết thêm vụ tấn công "chỉ để lại một hố bom trên đường đi".

Cuộc tấn công diễn ra vào ban đêm. Đoạn phim cho thấy một số phương tiện giống pháo phản lực HIMARS và thiết giáp hộ tống đang di chuyển tới nơi ẩn náu cạnh một tòa nhà lớn, sau đó bị phá hủy bởi vụ nổ mạnh.

Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS. (Ảnh: Reuters)

HIMARS là hệ thống pháo phản lực di động cao và có thể bắn được nhiều loại tên lửa với tầm bắn tới 300 km. Xe bệ phóng HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời trận địa để tránh bị phản pháo.

Vùng Sumy nằm cạnh vùng Kursk của Nga, nơi Ukraine tấn công vào tháng trước, triển khai hàng nghìn binh lính và một số vũ khí tốt nhất của mình trong nỗ lực kiểm soát vùng đất này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng việc kiểm soát vùng Kursk là chìa khóa cho "kế hoạch chiến thắng" mà ông dự định trình bày với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này.

Động thái diễn ra trong bối cánh Kiev liên tục thúc giục phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công mục tiêu sâu bên trong nước Nga, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong những bình luận trước chuyến đi, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Mỹ và Anh chưa cấp phép cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa vì lo ngại leo thang, nhưng ám chỉ ông vẫn chưa từ bỏ hy vọng.

Nga tuyên bố nước này xem việc Mỹ và đồng minh chấp thuận, cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ dẫn dến nguy cơ đối đầu quân sự trực diện giữa phương Tây và Moskva.

Hoa Vũ

Tin mới