Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ, Australia hợp tác quốc phòng, bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

(VTC News) -

Các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Australia và Mỹ cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, đảm bảo ngăn chặn mối đe doạ đối với an ninh khu vực.

Hôm 28/7, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds có cuộc tham vấn ngoại giao - quốc phòng thường niên giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Hai bên ra tuyên bố chung sau cuộc gặp, cam kết hợp tác quốc phòng chặt chẽ ở Biển Đông và Ấn Độ Dương dưới dạng thức song phương và với các đối tác khu vực. Đồng thời, Mỹ và Australia tuyên bố, các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác hiện có như Five Eyes, ASEAN, Quad, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, đối tác cơ sở hạ tầng 3 bên... Chúng tôi sẽ xây dựng sự gắn kết, cải thiện an ninh thông qua mạng lưới các quốc gia có chung tầm nhìn về một Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở, thịnh vượng và an toàn", Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho hay.

Các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Australia và Mỹ tại cuộc gặp AUSMIN. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Tuyên bố chung sau cuộc gặp của quan chức ngoại giao Mỹ và Australia cũng đề cập đến việc tăng cường hợp tác giữa Liên minh tình báo Five Eyes với ASEAN. Đáng chú ý, tuyên bố nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của Việt Nam - Chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết các cuộc tập trận 3 bên gần đây của Mỹ, Australia và Nhật Bản là động thái nhằm gửi thông điệp cứng rắn cho Trung Quốc.

"Tuần trước, 5 tàu ​​Australia đã tham gia cùng nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và một tàu khu trục Nhật Bản trong việc thực hiện các cuộc tập trận hải quân 3 bên. Những bài tập này không chỉ tăng cường khả năng tương tác, mà còn gửi một tín hiệu rõ ràng đến Bắc Kinh, rằng chúng tôi sẽ bay, chúng tôi sẽ đi thuyền và chúng tôi sẽ hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay.

Theo người đồng cấp bên phía Australia, bà Linda Reynolds, hai nước đã đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác về quốc phòng, khoa học công nghệ. "Điều này bao gồm các lĩnh vực siêu âm, chiến tranh điện tử và không gian", bà Linda Reynolds nói.

Tàu chiến Mỹ, Australia cùng tham gia tập trận trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters)

Chương trình nghị sự của AUSMIN là dấu hiệu cho thấy lập trường chung, thống nhất và cứng rắn hơn của Mỹ và Australia đối với Bắc Kinh khi quan hệ giữa Washington và Canberra với Bắc Kinh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Canberra gần đây đã tiết lộ một chiến lược quốc phòng mới với việc gia tăng 40% trong chi tiêu quân sự. Hôm 23/7, Australia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đặc biệt là các yêu sách hàng hải không tuân thủ các quy tắc về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, ông Mike Pompeo tuyên bố "những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp".

Kông Anh (Nguồn: Nikkei Asian Review, The Guardian)

Tin mới