Một loạt các báo lớn của Australia hôm 14/7 đưa tin về việc Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ pháp lý. Trong đó, báo Australian Financial Review dẫn lời một số chuyên gia dự báo về các hành động của Australia sau tuyên bố của Mỹ.
Tờ Australian Financial Review cho biết, sau khi Mỹ lần đầu tiên khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ pháp lý, Australia - đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có thể sẽ chịu sức ép mới để có thêm nhiều hành động tại khu vực này.
Đối với tranh chấp tại Biển Đông, từ trước đến nay, Australia luôn kiên định quan điểm không đứng về bên nào trong tranh chấp và khẳng định các tranh chấp cần được giải quyết dựa theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Máy bay tiêm kích phản lực trên boong tàu chiến USS Ronald Reagan trong lúc hoạt động ở Biển Đông vào tuần trước. (Ảnh: AP)
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia vừa đưa ra một lần nữa khẳng định điều này khi cho biết “quan điểm lâu dài và nhất quán của Australia là tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”.
Tuyên bố này đồng thời khẳng định “phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 về Biển Đông cho thấy không có căn cứ pháp lý cho các yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực nằm trong đường chín đoạn ngoài những quy định được nêu trong UNCLOS 1982. Phán quyết của Tòa trọng tài là quyết định cuối cùng, ràng buộc với các bên và Australia kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết này”.
Australian Financial Review dẫn lời ông Peter Jenning, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia cho biết, sau khi bày tỏ sự phản đối yêu sách của Trung Quốc, Mỹ có thể mong chờ Australia tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông. Ông Peter Jenning nhận định, quyết định của Mỹ có thể khiến Australia “tiến hành nhiều hơn các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý cách thực thể đang có tranh chấp”.
Ông Peter Jenning nhấn mạnh “nếu chúng ta ủng hộ quan điểm các yêu sách của Trung Quốc là sai trái thì đó là cách để chúng ta thể hiện điều này”.
Bài báo cũng dẫn lời ông Ashley Townshend, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney cho biết, mặc dù việc thực thi các cuộc tuần tra tự do hàng hải là quan trọng, song nó “không thay đổi thực tế ở trên biển”.
Ông Ashley Townshend cho rằng Australia có thể tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia Đông Nam Á về các hoạt động của họ trong khu vực. Bên cạnh đó, ông Ashley Townshend cho hay, hải quân Australia có thể phối hợp tập trận với các đối tác tại khu vực mà Trung Quốc thực thi các hoạt động cưỡng chế.
Trả lời cho câu hỏi lớn là Mỹ sẽ làm gì để bảo vệ lập trường mạnh mẽ vừa công bố, ông Ashley Townshend cho rằng, Mỹ “có thể có các bước đi tích cực hơn để hỗ trợ các đối tác ở tuyến đầu chống lại sự chèn ép của Trung Quốc”.
Bài báo còn dẫn lời tiến sỹ Euan Graham, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho hay, câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ phải chờ 4 năm để đưa ra tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông.
Tiến sỹ Euan Graham nhận định “điều quan trọng là hiểu được những vấn đề đằng sau đó và ủng hộ quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á bởi vì quan điểm của họ dựa trên căn cứ pháp luật”.