Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mục tiêu đến năm 2023, 100% chợ truyền thống Hà Nội không dùng túi nilon

(VTC News) -

Mục tiêu của Hà Nội là từ giờ đến hết năm 2023, 100% chợ truyền thống trên địa bàn không sử dụng túi nilon, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về chương trình hành động quốc gia trong sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn. Một trong những mục tiêu là từ nay đến cuối năm 2023, các chợ truyền thống không sử dụng túi nilon đạt tỷ lệ 100%. Kế hoạch này được rất nhiều người tiêu dùng ủng hộ.

Chị Nguyễn Yến (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Tôi rất mừng khi nghe chủ trương này. Nhiều năm nay, tôi thường xuyên được các shop thời trang, siêu thị, cửa hàng đồ ăn uống cung cấp túi giấy để sử dụng nên mỗi khi đi chợ phải dùng túi nilon thì thấy rất ái ngại”.

Anh Hoàng Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết anh đã thấy ở nhiều nơi tại Hà Nội, việc chuyển đổi từ các loại bao bì khó phân hủy sang các loại bao bì thân thiện với môi trường diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là ở các cửa hàng đồ ăn uống. Thay vì dùng túi nilon, hộp nhựa thì từ lâu họ đã dùng hộp giấy, túi giấy, ống hút giấy hoặc các sản phẩm chế tác từ bột gỗ, bột gạo. 

“Tuy nhiên ở chợ truyền thống thì tôi vẫn chưa thấy. Nếu như những hành động đẹp, vì thiên nhiên, vì môi trường, vì sức khỏe người tiêu dùng và tương lai của chính chúng ta được phổ biến tại các chợ truyền thống thì quả là một điều tốt đẹp. Nếu như Nhà nước kêu gọi hỗ trợ bằng các quỹ từ thiện để làm việc này, tôi sẵn sàng ủng hộ", anh Thịnh hào hứng nói.

Hà Nội đặt mục tiêu không dùng túi nilon ở chợ truyền thống.

Trong khi đó, các tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Hà Nội vẫn còn tỏ ra ái ngại khi chuyển đổi từ túi nilon sang các loại túi khác thân thiện với môi trường hơn.

Bà Trần Thị Nga, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: “Giá thành các loại túi nilon mà chúng tôi đang dùng chỉ là 40.000 đồng/kg, khách hàng xin 3 - 4 túi chúng tôi cũng sẵn sàng cho. Nhưng nếu dùng túi thân thiện với môi trường mà khách hàng xin 3 - 4 túi là thấy xót ruột. Nếu không đáp ứng được thì chúng tôi lại mất khách hàng”.

Trước đây, nhiều tình thành đã có nhiều mô hình chợ nói không với túi nilon và rác thải nhựa được triển khai nhưng đều thất bại, bởi những mô hình này chỉ mang tính phong chào. Theo các chuyên gia, mục tiêu các chợ ở Hà Nội không dùng túi nilon không phải là không khả thi. Tuy nhiên, cần có lộ trình đồng bộ và thực hiện ngay từ bây giờ.

TS. Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường phân tích: “Khi các chi phí tăng lên, người ta sẽ suy nghĩ, từ thói quen sử dụng thoải mái túi nilon. Dần dần sẽ chuyển qua giống như các siêu thị, đó là muốn thêm túi thì phải trả thêm tiền. Và như vậy, người tiêu dùng sẽ tự động mang theo những túi có thể sử dụng nhiều lần".

Theo ông Tùng, cơ quan quản lý cũng phải có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ra loại túi thân thiện với môi trường để làm giá thành của các loại túi này giảm xuống.

GS. TSKH Đặng Kim Chi, chuyên gia môi trường nhận định rằng, chúng ta cần phải tiến tới nghiên cứu, sử dụng các sản phẩm túi nilon phân hủy hoàn toàn và có chất lượng ngang với túi nilon khó phân hủy. Giá thành có cao hơn sẽ được hỗ trợ bằng các quỹ hoặc các hoạt động bảo vệ môi trường khác để khuyến khích mọi người trong giai đoạn đầu.

“Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm túi nilon phân hủy hoàn toàn với giá thành thấp để có thể được người tiêu dùng chấp nhận", bà Chi nói.

Các chuyên gia cho rằng, sử dụng túi nilon từ lâu đã là thói quen của người tiêu dùng, do đó, để thay thế không phải là chuyện một sớm một chiều. Chỉ khi nào có lộ trình rõ ràng, cùng sự đồng bộ quyết liệt từ các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ môi trường ngày một nâng cao thì mục tiêu này mới sớm được hoàn thành.

Hạo Nhiên

Tin mới