Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mua laptop cũ cho trẻ học online: Những điều cần lưu ý

Laptop phổ thông hàng mới đang khan hiếm, nhiều phụ huynh tìm đến các mẫu máy tính xách tay cũ cho con học online.

Bước vào năm học mới, nhiều địa phương đang áp dụng dạy và học trực tuyến, khiến nhu cầu mua sắp máy tính tăng cao. Do sản phẩm laptop mới giá rẻ đang khan hiếm và thời gian giao hàng lâu, máy tính xách tay cũ trở thành lựa chọn dễ dàng hơn cho các bậc phụ huynh.

Theo thông tin từ nhiều nhà bán lẻ lớn, nhu cầu mua laptop tại Việt Nam tăng gấp đôi, nhưng thời gian giao hàng phải kéo dài đến 3 tuần. Các dòng máy phổ thông giá dưới 15 triệu đồng gần như hết hàng tại thời điểm này.

Nhu cầu tìm mua laptop cũ, giá rẻ tăng cao

“Tôi nghĩ chỉ để học online thì không cần máy tính có nhiều chức năng hay thương hiệu lớn, nên quyết định tìm mua một chiếc laptop cũ, giá 3-4 triệu đồng cho con”, ông Trần Sang, 34 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM trả lời Zing.

Theo ông Sang, con trai ông đang học lớp 8, trường thông báo chuyển sang dạy trực tuyến nên gia đình phải nhanh chóng tìm mua máy tính phục vụ việc học của cháu. “Vì dịch bệnh phải ở nhà nên tôi đã thất nghiệp mấy tháng nay, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Phải rất cố gắng để có máy cho cháu vào năm học”, ông Sang cho biết.

Một phụ huynh tìm mua laptop cũ cho con học trực tuyến trong một hội nhóm trên Facebook.

Trường hợp như của ông Sang không phải hiếm gặp trong những ngày gần đây. Trên các hội nhóm rao vặt, kinh doanh laptop cũ trên Facebook, có rất nhiều phụ huynh đăng bài tìm máy tính xách tay cũ cho con học trực tuyến. Các yếu tố được người dùng quan tâm khi tìm mua máy tính cũ thường nằm ở mức giá, thương hiệu và phải có webcam để học online.

Theo thống kê của Google Trend, từ khóa “laptop cũ” đang có mật độ tìm kiếm rất cao trong những ngày gần đây. Từ khi Google xuất hiện ở Việt Nam, đây là thời điểm từ khóa này được tìm kiếm nhiều nhất. Bên cạnh “laptop cũ”, những từ khóa như “mua laptop cũ”, “giá laptop cũ”, “bán laptop cũ” cũng có sự tăng trưởng đột phá ở những ngày đầu tháng 9. Thống kê từ Connection.io cho thấy từ khóa "laptop cũ" được người Việt tìm kiếm trên Google hơn 31.000 lượt trong tháng 8.

Theo số liệu từ Chợ Tốt (Chotot.com), nền tảng có nhiều shop online bán laptop cũ mùa dịch, nhu cầu tìm mua laptop hàng ngày trong tháng 9 đã qua sử dụng tăng 42% so với tháng 8, kế tiếp là máy tính bảng (tăng 31%). Đa số người dùng tìm mua máy tính ở tầm giá dưới 3,5 triệu.

Trong ngày 4/9, trước tác động lễ khai giảng online, nhu cầu tìm mua máy tính cũ tăng 60% so với cùng ngày tháng trước. Các dòng máy tính bán chạy nhất hiện tại là Dell Latitude, Dell Inspiron, Lenovo ThinkPad đã qua sử dụng. iPad 2 đang là mẫu máy tính bảng được ưa chuộng.

Các nguồn hàng laptop cũ ở Việt Nam

Tại Việt Nam, laptop cũ được bán lại từ nhiều nguồn. Có mức giá gần với máy mới và được bảo hành cao nhất thuộc về nhóm laptop cũ bán ra từ các nhà bán lẻ (Thế Giới Di Động, FPT Shop...). Ở mức giá mềm hơn, người dùng có thể tìm mua từ các hệ thống của hàng nhỏ lẻ, shop online trên các sàn thương mại điện tử, hội nhóm. Trong đó, cũng có các mặt hàng nội địa xách tay (laptop Nhật Bản, Trung Quốc) và máy do người dùng sang tay, lên đời.

“Máy cũ vẫn được quan tâm nhiều ở nhóm khách hàng thu nhập thấp như học sinh, sinh viên. Trước đó người dùng ít chọn mặt hàng này vì cho rằng laptop là tài sản lớn, chứa nhiều dữ liệu quan trọng nên máy mới vẫn được ưa chuộng hơn”, đại diện chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động trả lời Zing.

Tại Thế Giới Di Động, mặt hàng máy cũ là các sản phẩm chính hãng, được khách hàng mua nhưng không vừa ý, đổi sang model khác hoặc sản phẩm lỗi, đổi trả trong 30 ngày theo chính sách của đại lý. Các sản phẩm này có giá chênh lệch 10-40% so với máy mới tùy theo cấu hình, thương hiệu và thời gian bảo hành còn lại.

Các sản phẩm cũ của Thế Giới Di Động khá đa dạng về mẫu mã và giá thành nhưng số lượng máy hạn chế, mỗi model chỉ có từ 1-2 sản phẩm.

Ngoài nguồn hàng cũ đến từ các đại lý lớn, những mẫu máy qua sử dụng xách tay từ các thị trường khác cũng được nhiều phụ huynh nhắm tới với giá rẻ. Những mẫu laptop này được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, shop online và cửa hàng tự bảo hành.

Các mẫu máy qua sử dụng, giá từ 4-8 triệu đồng được nhiều phụ huynh quan tâm.

“Các sản phẩm qua sử dụng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là trong thời gian tựu trường. Những mẫu máy chơi game 10-20 triệu đồng và laptop văn phòng 6-15 triệu đồng đang được nhiều khách hàng lựa chọn”, ông Phạm Duy, đại diện truyền thông cửa hàng LaptopAZ trả lời Zing.

Theo ông Duy, nhu cầu thị trường trong năm nay phân hóa khá rõ rệt, với mức giá trên 13 triệu đồng người dùng thường tìm đến các mẫu máy mới. Ở mức tiền thấp hơn, khách hàng chủ yếu chọn sản phẩm cũ để phù hợp với khả năng chi trả.

Tuy nhiên theo đại lý này, dù nhu cầu thị trường rất cao nhưng vận chuyển đang là một rào cản lớn tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16. “Việc giao hàng vẫn được thực hiện qua đường bưu điện, nhưng hiện tại khó tiếp cận với những địa phương có dịch vì máy tính xách tay không phải mặt hàng thiết yếu”, ông Duy cho biết.

Chọn laptop cũ, cần ưu tiên những gì?

“Mua máy cũ tôi cũng khá lo lắng vì không có nhiều kinh nghiệm, đồ cũ thì khá nhiều rủi ro nên cũng phải nhờ người quen có hiểu biết xem thử vì sợ bị lừa”, ông Sang chia sẻ.

Các sản phẩm máy tính xách tay cũ giá rẻ dưới 10 triệu đồng được bán tại các cửa hàng vừa và nhỏ chủ yếu là mặt hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ những thị trường như Mỹ, Nhật Bản.

Các mẫu máy này thường có tuổi đời từ 4-6 năm với thiết kế cũ cũng như cấu hình ra mắt đã lâu. Những sản phẩm quá cũ sẽ khó tìm linh kiện sửa chữa khi có hỏng hóc và không được bảo hành chính hãng mà hoàn toàn phụ thuộc vào nơi bán máy.

Các máy cũ thường đã bị sửa chữa thay thế linh kiện, không còn nguyên bản. Người dùng cần kiểm tra kỹ bàn phím, loa, màn hình, webcam để đảm bảo đáp ứng nhu cầu học online.

“Với nhu cầu đơn giản như học trực tuyến thì người dùng không cần yêu cầu cao ở sản phẩm, chỉ cần màn hình, bàn phím và webcam hoạt động tốt là có thể chạy được các phần mềm hội họp trực tuyến như Zoom hay Google Meet rồi”, ông Phạm Duy cho hay.

Theo ông Đào Đức Tiến, người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong mảng linh kiện PC và laptop, các mẫu máy tính xách tay cũ hầu hết được cửa hàng vệ sinh, sửa chữa, thay thế linh kiện trước khi đến tay người tiêu dùng.

“Với những tác vụ nhẹ nhàng như soạn thảo văn bản hay học online thì các thiết bị này có thể xử lý được. Nhưng độ bền của máy không cao, có thể hỏng hóc khi có va chạm nhẹ. Ngoài ra, những sản phẩm đời cũ sẽ không chạy nổi hệ điều hành mới cũng như có tốc độ khởi động chậm”, ông Tiến cho biết.

Khi mua laptop cũ cho nhu cầu học online, người dùng cần kiểm tra chất lượng bàn phím (độ nảy, độ mờ các phím số, có phím chết hay không...) và webcam còn rõ nét. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm kiếm các lỗi thường gặp trên các dòng máy mình định mua (sọc màn hình, lỗi pin, nóng bàn phím...) và hỏi kỹ người bán để chắc chắn hơn về lựa chọn của mình.

Với nhu cầu trên, người dùng cũng không nên tham máy cấu hình cao, vì thậm chí một số mẫu laptop cũ có cả card đồ họa rời, nhưng lại là tác nhân khiến máy hao pin nhanh hơn và tỷ lệ lỗi cao. Những trang bị như bàn phím, loa, mic thu âm, webcam, các cổng kết nối và màn hình nên được ưu tiên hơn thay vì quá quan tâm đến chip xử lý hay card đồ họa.

Hơn 75.000 học sinh TP.HCM không có điều kiện học online

Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổng hợp và cho biết khoảng 4% học sinh từ lớp 6-12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến. Ở bậc tiểu học, con số này là khoảng 8,5%. Cụ thể, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học, khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có Internet.

Còn ở bậc tiểu học, số liệu thống kê của sở đến sáng 3/9 cho thấy khoảng 53.349 học sinh (8,5%) không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Cụ thể, 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền Internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê…

Nguồn: Zing News

Tin mới