Gần hai tháng tạm nghỉ dịch, chị Trần Thị Dần và hai cô con gái (xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) sống tiết kiệm tối đa với khoản lương ít ỏi của chồng 7 triệu đồng/tháng.
Khi chưa có dịch, ban ngày chị Dần làm thuê ở cửa hàng bán quần áo, tối lại tranh thủ cùng chồng chạy xe ôm grab để tăng thêm thu nhập. Một tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng xấp xỉ 20 triệu đồng mới đủ vừa trả tiền thuê nhà, vừa tiền nuôi hai con ăn học.
Đến nay, dịch kéo dài, cửa hàng đóng cửa, chị không có việc, may mắn chồng chị Dần làm bảo vệ chung cư không vẫn bị mất việc. Gánh nặng kinh tế cả gia đình đè nặng lên vai anh.
Năm học mới bắt đầu, chị Dần đau đầu tính toán việc mua cho máy tính để bàn loại rẻ để hai con lớp 4 và lớp 8 học online. Đây thật sự là bài toán khó với gia đình chị, khi thu nhập thấp, không ổn định. Việc học trên điện thoại smartphone màn hình nhỏ, cấu hình thấp không đủ đáp ứng yêu cầu học của các con.
Chị Dần lên mạng tìm mua máy tính cũ từ 5 đến 8 triệu. Không hiểu nhiều về công nghệ, nên mong muốn duy nhất của chị khi nói với người bán là cần mua máy tính cũ, cho con học online ổn định, đảm bảo cấu hình không bị giật lác.
"Tôi rất muốn mua máy tính, laptop đắt tiền cho con nhưng điều kiện gia đình không cho phép, phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí phải xin khất tiền nhà tháng này để ưu tiên cho việc mua máy tính cho con", vị phụ huynh tâm sự.
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)
Gia đình anh Triệu Văn Tám (Đống Đa, Hà Nội) có 3 con đang theo học lần lượt các lớp 3, 5, 9. Anh đau đầu khi sắp xếp cho cả 3 cùng học trực tuyến.
Hiện nhà chỉ một laptop đời cũ và 2 chiếc điện thoại thông minh. Nếu để các con phải học bằng điện thoại thì về lâu dài không ổn, rất đau mắt và khó chịu vì màn hình nhỏ. Không mua máy tính thì con lấy không đủ phương tiện học, mà mua thêm máy tính thì kinh tế không đủ.
Mấy tháng nay, vì dịch nên thu nhập của cả nhà anh Tám gần như bằng không, chỉ phụ thuộc chủ yếu vào khoản tiền tiết kiệm ít ỏi.
Không những khó khăn về phương tiện, gia đình anh Tám đang chung sống với hai ông bà nội trong nhà tập thể chưa đầy 80 mét vuông, không gian riêng rất ít. Mỗi khi các con học, cần yên tĩnh thì gia đình phải thì thầm hoặc gọi nhau bằng ám hiệu.
Tương tự, chị Nguyễn Mai Anh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chật vật tìm cách khắc phục phương tiện học online cho con.
Chị Mai Anh làm nhân viên hành chính ở một công ty du lịch, vì dịch COVID-19 nên hiện tại công ty tạm nghỉ, khoản hỗ trợ mỗi tháng là 1 triệu. Sinh hoạt phí của cả nhà gần 2 tháng qua trông cậy vào lương của chồng.
Buổi học đầu tiên của năm học mới diễn ra không mấy suôn sẻ khi ba mẹ con liên tục đánh vật với phương tiện học. Cả nhà chỉ có duy nhất một chiếc laptop đã cũ. Trong khi đó, hai anh em (lớp 4 và lớp 6) lịch học online trùng nhau nên chị phải phân chia một đưa học máy tính, một đứa học tạm bằng điện thoại của mẹ. Để công bằng, hôm nay cháu lớn học laptop thì mai cháu bé học, luân phiên nhau cho đỡ tị nạnh.
Chị Mai Anh hiểu rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn nếu các con học online lâu dài sẽ khó đảm bảo chất lượng và yêu cầu của nhà trường. Vì điện thoại của mẹ cũng là loại đời cũ, màn hình bé, còn hay bị đơ, kết nối thường xuyên gián đoạn.
Thêm bất tiện nữa, nhiều khi con đang học bài thì điện thoại mẹ có người gọi đến, thế là rất dễ bị kích ra khỏi lớp học. Nhưng nếu giờ mua thêm cái laptop nữa cho con thì bố mẹ không đủ tiền, vị phụ huynh này lo lắng.