7h45 ngày 6/9, Đỗ Khánh Huyền, học sinh lớp 10 (Hà Đông, Hà Nội) mặc quần áo chỉnh tề, háo hức bước vào tiết học môn Toán đầu tiên của năm học mới 2021 - 2022. Được nhìn thấy thầy cô, bạn bè qua màn hình máy tính sau thời gian nghỉ dài ở nhà em vui lắm. Thế nhưng 3 tiết học Toán sáng nay của em không suôn sẻ như tưởng tượng.
Bắt đầu vào tiết học chừng 10 phút, khi thầy giáo đang nhắc lại các kiến thức của lớp 9, màn hình máy tính bỗng đứng im, quay tròn và thông báo kết nối chậm. Em nghĩ do đường truyền mạng Internet ở nhà có vấn đề nên quyết định chuyển qua điện thoại dùng mạng 4G và khởi động lại modem wifi.
Đổi sang điện thoại được chừng 5 phút thì lại phải chuyển qua máy tính vì tự nhiên bị đẩy ra khỏi lớp học.
Em phải nhờ tới sự trợ giúp của bố và mẹ. Nhưng dù đổi qua ba, bốn chiếc điện thoại hay máy tính của ai trong nhà em cũng chỉ học ổn định được không quá 15 phút. Học xong một tiết Toán mà em bị rớt mạng đến 5 - 6 lần.
Không riêng em, hầu như các bạn trong lớp đều bị rớt mạng liên tục. Ai vào lớp học sớm thì có thể may mắn học được đến cuối, còn ai vào muộn, lớp online quá tải thì thường xuyên bị đẩy ra khỏi phòng học.
Không những vậy, nhiều học sinh không chú ý, mic đang bật mà hồn nhiên nói chuyện, cười đùa rất to với gia đình. Tất cả âm thanh đó khiến buổi học đầu tiên càng lộn xộn. Kết thúc buổi học đầu tiên, Khánh Huyền thấy khá mệt mỏi, không hiệu quả.
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)
Giống như Huyền, Trần Công Huy, học sinh lớp 7 (Ba Đình, Hà Nội) khá thất vọng sau khi kết thúc buổi học đầu tiên sáng nay. Rút kinh nghiệm từ 2 lần học trực tuyến trước, năm nay, bố mẹ sắm riêng cho Huy chiếc máy tính bảng gần 20 triệu để học online.
Xuất hiện sớm ở phòng học online để tranh thủ trò chuyện cùng các bạn. Thế nhưng khi vừa bắt đầu tiết học thì em bị thoát khỏi lớp học. Loay hoay một lúc, Huy vào lại được lớp. May mắn vừa kịp lúc cô giáo đang điểm danh.
Vừa gọi tên học sinh, cô vừa nhắc nhở tắt míc, chỉ được bật camera nghe cô giáo giảng bài. Nhưng cứ 5 - 10 phút Huy và các bạn trong lớp lại bị đẩy ra khỏi lớp. Cả lớp ra vào liên tục trong suốt tiết học. Chưa kể đến nhiều bạn không tắt mic cười nói to hơn lời cô giảng bài khiến em không thể tập trung học.
Cô Nguyên Hồng Thúy, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội cho biết, số lượng học sinh tham gia học online đầu năm khá đầy đủ.
Rút kinh nghiệm từ các lần học online trước, trường yêu cầu 100% các lớp chuyển qua nền tảng Microsoft Teams dạy học nên khá ổn định, ít khi bị đẩy ra khỏi lớp.
Việc gián đoạn các nội dung trong tiết học sẽ khiến các con quên kiến thức, khi quay trở lại có thể các con khó hiểu bài tiếp theo. Mỗi khi rớt mạng là một lần mất tập trung, trong khi mức độ nhận thức của từng em là khác nhau nên việc này ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng buổi học. Chưa kể không phải gia đình nào cũng có môi trường yên tĩnh để các con tập trung học. Đó là những lý do các trường nên tìm cách khắc phục để việc học online đạt hiệu quả ở mức cao nhất.