Tại buổi họp báo chiều 4/9, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, học sinh THCS và THPT trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu năm học từ ngày 6/9 và học sinh tiểu học sẽ học từ ngày 8/9.
TP.HCM không tổ chức khai giảng và tựu trường, không lùi thời gian năm học mới, tổ chức năm học theo thời gian của Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên thành phố sẽ thực hiện học qua internet.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 6.600 học sinh là F0 nhưng hầu hết không có triệu chứng nên các học sinh này vẫn có thể học tập trên internet. Thành phố sẽ hỗ trợ bằng cách phát sách giáo khoa và dữ liệu học tập đến tận nơi, ngoài ra các em có thể học tập bằng cách theo dõi các bài giảng trên truyền hình. Các trường cũng tích hợp dữ liệu học, bài giảng trên website của các trường để học sinh theo dõi.
"Hiện nay, thành phố đã tổ chức ghi hình được khoảng 10 tuần theo kế hoạch dạy trực tuyến hết học kỳ 1, ghi hình tiết học trên truyền hình và sẽ phát sóng vào giữa tháng 9", ông Hiếu cho biết.
Về các trường hợp học sinh có bố mẹ, bố hoặc mẹ mất do COVID-19 đều được quan tâm, giáo viên cũng đã nắm tình hình và chia sẻ, động viên cho các em giảm bớt đau thương, giúp đỡ để các em trở lại học tập.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM)
Về giáo viên tham gia phòng chống dịch, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, lực lượng này vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ đó cho đến khi thành phố kiểm soát dịch bệnh, các giáo viên còn lại của mỗi trường sẽ đảm nhiệm việc dạy học và các trường vẫn đủ giáo viên thay thế.
“Mỗi trường lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, giảng tốt dạy trực tuyến, nhiều lớp hoặc cả khối học vẫn có thể học một giờ dạy của giáo viên đó. Giáo viên sau khi hoàn thành chống dịch thì tiếp nhận lại công việc từ đồng nghiệp”, ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, qua thống kê, hiện thành phố có tới 75.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hoặc không có thiết bị học trực tuyến, học online. Trong đó, 31.000 học sinh bậc tiểu học, 22.000 học sinh bậc THCS và khoảng 15.000 học sinh THPT, còn lại là học sinh giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp.
Để hỗ trợ cho những học sinh này, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay, Sở đã làm việc với các đài truyền hình, phát thanh để ghi hình bài giảng phát sóng vào các khung giờ. Đồng thời, làm việc với các nhà cung cấp thiết bị sử dụng học tập trên internet để bán trả góp hoặc tặng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tăng tốc độ đường truyền, giảm gói cước đường truyền cho học sinh.
“Sở cũng xây dựng các phiếu học tập, cộng tác viên hỗ trợ, giáo viên tự nguyện đến từng vùng, từng nhà hỗ trợ cho học sinh; Hỗ trợ tất cả các trường hoàn tất giao sách giáo khoa đến tận nhà cho học sinh đến ngày 6/9. Trong học kỳ I, giáo viên ưu tiên kèm cặp các em thiếu thiết bị hoặc học không hiệu quả qua internet”, ông Hiếu nói.
Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, chủ trương của thành phố là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Học sinh, giáo viên cần nắm rõ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua học tốt dạy tốt, quyết tâm cho năm học 2021-2022 đạt kết quả tốt dù dịch bệnh, không để em nào, đặc biệt em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa vì dịch bệnh mà không được học”.
“Thành phố không dời lịch học, ngày 6/9 vẫn học bình thường, phải biến nguy thành cơ. Lịch sử đã chứng minh trong chiến tranh, trong lao tù, dịch bệnh vẫn học và học rất giỏi, không có thách thức nào vượt qua tinh thần hiếu học, không có có khăn nào ngăn cản tiếp cận tri thức”, ông Hải nói.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM).
Ông Phạm Đức Hải cũng đưa ra 9 giải pháp mà TP.HCM thực hiện nhằm giúp các em không đủ thiết bị học tập qua internet cũng như để khắc phục khó khăn của năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh gồm: Tăng tốc độ, giảm giá cước đường truyền; Học qua truyền hình, phát thanh; Dùng sách điện tử; Ghi hình bài giảng và phát trên các nền tảng; Khuyến khích các đơn vị bán thiết bị cho gia đình khó khăn trả góp hoặc tặng;
Nhà trường vận động mạnh thường quân mua thiết bị cho học sinh; Phát tài liệu học tập đến tận nhà, sau đó thu lại, giáo viên đánh giá; Tăng tốc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khi kiểm soát dịch; Kéo dài năm học bằng 2 tuần dự trữ.