Cú đúp bàn thắng vào lưới Newcastle tối 11/9 (giờ Việt Nam) là lời bảo đảm đầy tin cậy của Cristiano Ronaldo dành cho Man Utd. Có anh, Quỷ đỏ sở hữu một cây săn bàn hàng đầu để mở khóa những danh hiệu mới. Tuy nhiên, làm thế nào để Ronaldo hạnh phúc và cống hiến 100% cho Man Utd, đấy không phải nhiệm vụ dễ dàng cho Solskjaer.
Cá tính CR7
Trong gần 20 năm thi đấu đỉnh cao của Ronaldo, chỉ có 3 HLV thực sự kiểm soát được cái tôi của cầu thủ này. Đó là Sir Alex Ferguson, Carlo Ancelotti và Zinedine Zidane.
Ronaldo chứng minh tầm ảnh hưởng ở Man Utd.
Sir Alex là người phát hiện tài năng và đưa Ronaldo lên tới đỉnh cao. Ancelotti là người khéo léo, quảng giao, nhún nhường và mực thước trong giao tiếp, còn Zidane là huyền thoại Real Madrid. Điểm chung của họ là đều tìm được cách thỏa hiệp và luôn giữ được Ronaldo trong trạng thái cân bằng.
Theo Sir Alex, Ronaldo là cầu thủ có khả năng đặc biệt. "Trong một trận đấu tệ nhất của mình, Ronaldo cũng tạo ra được tới 3 cơ hội. Bạn không thể tìm được cầu thủ nào khác như thế. Ronaldo rất giỏi. Cậu ấy biết mọi thứ về chiến thuật, nên các HLV không cần phải nói nhiều", Sir Alex kể lại trong hồi ký.
Nhưng, bóng đá thế giới có luật bất thành văn: cầu thủ càng giỏi và có cá tính lớn, HLV càng khó dẫn dắt, sử dụng. Ronaldo là ví dụ điển hình. Siêu sao người Bồ Đào Nha cần được đặt vào trung tâm của đội bóng, cần được lắng nghe, chăm chút cảm xúc. Miễn là CR7 hạnh phúc, anh sẽ tỏa sáng.
Sir Alex từng bảo bọc Ronaldo sau sự cố với Wayne Rooney ở World Cup 2006 và đến tận nhà thuyết phục anh ở lại Man Utd thêm một mùa. Ông đối xử với Ronaldo như một người cha. Song, không phải ai cũng làm được điều này.
Sir Alex yêu thương và bảo vệ Ronaldo.
"Sir Alex Ferguson, Carlo Ancelotti, Luiz Felipe Scolari đều có đặc điểm chung, chính là phát huy triệt để khả năng của Ronaldo. Họ biết CR7 là siêu sao đặc biệt nên cách đối xử dành cho anh cũng đặc biệt.
Một số HLV khác là Jose Mourinho, Rafa Benitez, Carlos Queiroz, Maurizio Sarri lại không được như thế. Quan hệ giữa họ với Ronaldo đổ vỡ vì tất cả đều không thể xử lý cái tôi của tiền đạo người Bồ Đào Nha. Quy tắc vàng để giúp Ronaldo bùng nổ là hãy để anh hạnh phúc", The Athletic đánh giá.
Benitez là ví dụ điển hình. Báo chí kể rằng khi mới chuyển tới dẫn dắt Real Madrid, HLV người Tây Ban Nha từng gửi cho Ronaldo một chiếc USB để chỉ anh về cách hỗ trợ phòng ngự. Đáp lại, CR7 nói sẽ gửi cho Benitez xem USB về những bàn thắng anh từng ghi được.
Ronaldo không cần chỉ dạy. Thứ "đầu vào" anh cần là vị thế không thể đụng đến, đổi lại, anh sẽ chuyển "đầu ra" cho CLB là bàn thắng và những chiếc cúp. Những HLV muốn uốn nắn cá tính của Ronaldo đều trả giá.
Không phải ngẫu nhiên, HLV Massimiliano Allegri nói Ronaldo là trở ngại của Juventus. Dưới thời HLV Maurizio Sarri, Ronaldo từng tắm rửa và bỏ về nhà khi trận đấu còn chưa kết thúc, bởi anh bị thay ra sớm.
HLV Sarri mâu thuẫn với Ronaldo.
Trong cuốn sách "Ám ảnh về sự hoàn hảo", tác giả Luca Caioli kể lại mâu thuẫn giữa Ronaldo và HLV Carlos Queiroz (đội tuyển Bồ Đào Nha) ở World Cup 2010. Ronaldo công khai bày tỏ sự khó chịu với báo giới khi không được chơi đúng vị trí ưa thích trong sơ đồ 4-2-3-1.
Anh cũng vùng vằng, bất mãn khi đồng đội chơi không tốt ở trận bán kết với Tây Ban Nha. Sau trận, Queiroz ngầm chỉ trích Ronaldo không thể hiện tốt với vai trò thủ quân. Mối quan hệ của cả hai đổ vỡ, dù Queiroz là người gợi ý Sir Alex mang Ronaldo về Man Utd, đồng thời chăm sóc và bảo vệ anh suốt quãng thời gian đầu ở Manchester.
Nói vậy để thấy, từ những HLV đẳng cấp (Mourinho, Benitez, Allegri) đến những người hiểu Ronaldo (Queiroz) đều gặp khó, thì HLV Solskjaer liệu có dung hòa được cái tôi của siêu sao Bồ Đào Nha với tập thể?
Thách thức cho Solskjaer
Trong bài viết trên The Guardian, ký giả Jonathan Wilson cho rằng Ronaldo có thể ngăn cản quá trình trẻ hóa của Man Utd, làm lu mờ Bruno Fernandes, khiến hệ thống chiến thuật ảnh hưởng. Tuy nhiên, chưa cần bàn tới vấn đề chuyên môn, HLV Solskjaer đã lờ mờ nhìn thấy khó khăn đầu tiên.
Ở trận gặp Newcastle, chiến lược gia người Na Uy muốn thay Ronaldo khỏi sân, nhưng học trò không đồng ý. "Ronaldo sẽ không rời sân, trừ khi cậu ấy muốn thế", Solskjaer nói. Đó là dấu hiệu đầu tiên, cho thấy cầu thủ đã vượt quyền HLV.
Ronaldo có được đối xử đặc biệt?
Trước cuộc so tài với Young Boys ở Champions League, Solskjaer nói Ronaldo "không phải là không thể ngồi ngoài", song thật khó tin nếu ông để Ronaldo dự bị trong bối cảnh anh muốn vào sân, hay thay Ronaldo ra ở những trận anh chơi không tốt.
Ở tuổi 36, Ronaldo vẫn có vị thế không thể đụng đến. Sự ủng hộ cực lớn CR7 có được ở trận ra quân càng củng cố cho điều này. Nếu Ronaldo chơi tốt thì không sao, nhưng trong trường hợp tiền đạo này chơi thiếu hiệu quả, HLV Solskjaer sẽ xử lý thế nào?
Mùa giải 2016/2017, HLV Zinedine Zidane từng được báo giới Tây Ban Nha ca ngợi với khả năng đối nhân xử thế. Ông yêu cầu Ronaldo ngồi dự bị để giúp anh có nguồn năng lượng dồi dào cho những trận cuối mùa. Ronaldo nghe lời Zidane, và kết quả là chức vô địch Champions League thuyết phục mà Ronaldo đóng góp 2 bàn ở trận chung kết.
Dù vậy, Zidane là tượng đài của Real Madrid. Ông có sự vị nể và quyền uy, là nhà vô địch Champions League, World Cup, EURO và từng giành Quả bóng Vàng. Ronaldo không thể không nghe lời một HLV như thế.
HLV Solskjaer có dung hòa được Ronaldo với tập thể?
Còn Solskjaer thì sao? Ông là HLV có quãng thời gian... trắng tay lâu nhất của Man Utd từ sau thời của HLV Dave Sexton (1981), chưa từng giành Quả bóng Vàng và vô địch danh hiệu lớn nào trên cương vị huấn luyện. Đẳng cấp của Solskjaer còn kém hơn Benitez, Queiroz hay Sarri - những HLV không nói nổi Ronaldo.
HLV Solskjaer đã làm chủ phòng thay đồ với những Mason Greenwood, Bruno Fernandes, Marcus Rashford, Daniel James,... Nhưng Ronaldo ở một tầm khác, yêu cầu một cách hành xử, thậm chí ưu ái, chiều chuộng rất khác.
Nếu Solskjaer không thể dung hòa cá tính Ronaldo với lợi ích tập thể, mùa giải này của Man Utd chưa chắc chỉ toàn niềm vui.