Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mâm lễ cúng giao thừa Tết Tân Sửu 2021 cần có gì?

(VTC News) -

Khi chuẩn bị mâm lễ cúng Giao thừa, bạn cần nhớ rõ có 2 mâm dùng để cúng trong nhà và ngoài trời, với những món khác nhau.

Mỗi năm, đến giờ giao thừa, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng Trời, tiễn năm cũ, đón năm mới, với hy vọng một năm làm ăn yên ổn, bình an hạnh phúc. Với ý nghĩa tốt đẹp này, mâm lễ cúng giao thừa được đặc biệt chú trọng.

Lễ cúng giao thừa còn có tên là lễ trừ tịch, bởi theo quan niệm của người xưa, mỗi năm có một vị thần Hành khiển trông coi việc nhân gian. Giao thừa là lúc vị thần Hành khiển cũ bàn giao công việc lại cho vị thần mới, cúng giao thừa chính là làm lễ tiễn người cũ, đón người mới.

Mâm lễ cúng giao thừa Tết Tân Sửu 2021 có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn.

Từ xưa đến nay, người Việt Nam vẫn cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời. Vậy ý nghĩa và cách chuẩn bị mâm cúng trong nhà và ngoài trời khác nhau thế nào?

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời 

Người Việt quan niệm có 12 vị Hành khiển và 12 phán quan (vị thần giúp việc cho các Hành khiển). Mỗi năm có một vị quan Hành khiển đảm đương công việc cai trị hạ giới và cứ sau 12 năm lại có sự luân phiên trở lại.

Giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành khiển bàn giao công việc cai trị trong năm với nhau. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội nên không kịp vào tận bên trong nhà, do đó bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Đây được gọi là lễ cúng giao thừa ngoài trời.

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời được ví như bữa tiệc tiễn đưa các vị quan Hành khiển và phán quan năm cũ và nghênh đón vị thần mới. Do đó, gia chủ cần thật thận trọng khi chuẩn bị lễ cúng, phải hiểu mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm những gì, nghi thức cúng cần những gì, văn cúng thế nào để cầu cho cả nhà được bình an, hạnh phúc trong năm mới.

Lễ cúng giao thừa có mục đích xóa bỏ hết những điều xấu, kém may mắn của năm cũ để cầu những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Hai chữ "trừ tịch" có ý nghĩa khu trừ ma quỷ.

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời được ví như một bữa tiệc tiễn đưa các vị quan Hành khiển và phán quan năm cũ,  nghênh đón vị thần mới.

 Gia chủ chuẩn bị mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm những lễ vật sau:

  • Mâm ngũ quả
  • Nhang (nên là 3 cây nhang to)
  • Hoa
  • Đèn/nến
  • Trầu cau
  • Muối gạo
  • Trà rượu
  • Quần áo mũ nón thần linh
  • Thủ lợn luộc
  • Gà trống luộc
  • Xôi
  • Bánh chưng

Trong đó, gia chủ cần đặc biệt chú ý đến con gà trống luộc. Nên chọn gà trống mới bắt đầu tập gáy, chưa đạp mái, khỏe mạnh, mỏ vàng, mào cờ, chân gà màu vàng. Nếu không có nhiều điều kiện thì chuẩn bị đơn giản, chỉ cần thể hiện lòng thành đối với các bậc thần linh, ông bà gia tiên.

Cũng tùy theo từng vùng miền mà có các loại đồ cúng khác nhau:

  • Miền Bắc: Mâm cỗ thường tính theo bát, đĩa gồm 4 bát, 4 đĩa, nếu cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Các bát này thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Đĩa thường là xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối. Có nhà cũng cúng gà, gà thường là thịt gà trống thiến.
  • Miền Trung: Trên mâm cúng của người miền Trung có bánh chưng, bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, bát ninh măng khô, miến Huế, cá chiên hay chả ram. Mâm cỗ người miền Trung có đầy đủ các món ăn.
  • Miền Nam: Mâm cúng thường đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà… Nhưng nếu là mâm mặn đầy đủ sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh chưng, chè…

Sau khi cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ sẽ thực hiện lễ cúng giao thừa trong nhà để cúng Thổ công và tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình trong năm mới gặp được nhiều điều tốt lành.

Theo nhiều chuyên gia phong thủy, Hỷ thần ở hướng Đông Bắc, Tài thần ở hướng Nam nên có thể tùy theo hai hướng ấy mà đặt  lễ vật cúng giao thừa ngoài trời. Người đứng khấn phải quay mặt về hướng Đông Bắc hay chính Nam mà cúng chứ không phải đặt con gà, đĩa xôi về hướng đó. Quan trọng khi cúng giao thừa phải thành tâm.

Mâm lễ cúng giao thừa trong nhà

Mâm lễ cúng giao thừa trong nhà cũng không kém phần quan trọng nhằm cầu ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình năm mới mạnh khỏe, gặp nhiều điều tốt lành.

Trong mâm cỗ, cần chuẩn bị những món ăn trong ngày Tết được chế biến cẩn thận, trang nghiêm và sạch sẽ. Mâm cỗ được chia làm các phần mâm cỗ mặn, mâm cỗ ngọt và chay.

Mâm cỗ mặn

  • Bánh chưng
  • Giò
  • Chả
  • Xôi gấc hoặc xôi các loại
  • Gà luộc
  • Rượu

Cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên gia đình.

Ngoài những lễ vật trên, gia chủ có thể thêm những món ăn quen thuộc hằng ngày của mình. Ngoài ra, tùy thuộc vào mỗi vùng miền, món mặn được bày cúng trên bàn thờ mang những nét đặc trưng.

 Mâm cỗ ngọt:

  • Bánh kẹo
  • Các loại mứt tết
  • Hoa
  • Đèn/nến
  • Nhang 

Khi sắp xếp các vật phẩm trên bàn cúng, gia chủ và các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm, lịch sự trước bàn thờ. Đầu tiên cần khấn thần Thổ - vị thần có nhiệm vụ cai quản trong nhà, xin phép cho tổ tiên, ông bà được về ăn Tết cùng gia đình.

Tiếp theo, gia chủ khấn xin tổ tiên, mong ông bà phù hộ cho các thành viên trong gia đình năm mới được bình an, sức khỏe dồi dào. 

Khi cúng giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình phải có mặt đông đủ, đứng trang nghiêm trước bàn thờ, chắp tay và khấn tổ tiên.

Thiên An (Tổng hợp)

Tin mới