Lễ cúng Giao thừa (Lễ Trừ tịch) là giờ phút cuối cùng của năm cũ chuẩn bị bước qua năm mới với ý nghĩa để lại những cái cũ, những cái xui và bắt đầu một năm mới.
Lễ Trừ tịch còn có ý để "trừ khử ma quỷ" đó cũng là ý nghĩa của từ "trừ tịch". Vì thời điểm trừ khử vận xui và đón mừng những điều mới xảy ra ngay vào lúc Giao thừa nên còn được gọi là lễ Giao thừa.
Theo dân gian lưu truyền thì mỗi một năm đều có một ông thần coi khiển việc nhân gian, hết năm thì ông này bàn giao lại cho ông kia cho nên ta sẽ cúng để tiễn ông cũ và đón ông mới.
Thông thường người Việt chuẩn bị cả hai lễ cúng ngoài trời và trong nhà.
Cúng Giao thừa ngoài trời
Lễ cúng Giao thừa ngoài trời được gọi là lễ cúng tiễn vi thần cựu vương hành khiển (vị thần chịu trách nhiệm coi sóc dân và cai quản hạ giới) của năm cũ đi và đón ông mới về.
Hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản Hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản Hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại.
(Ảnh minh họa)
Mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời gồm có gà trống tơ luộc (có những nơi dùng thủ lợn), bánh chưng, đèn hoặc nến, vàng mã, hoa tươi, trầu cau, rượu, trà và một chiếc mũ chuồn hàng mã. Lưu ý là tất cả các đồ cúng trong mâm cúng Giao thừa cần phải được chuẩn bị đầy đủ và bê ra trước giờ giao thừa.
Với lễ cúng Giao thừa ngoài trời, mâm lễ chỉ nên đặt ở hướng Bắc hoặc hướng Đông tùy theo từng gia đình. Sở dĩ như vậy vì hướng Bắc là hướng để cúng Thượng Đế còn hướng Đông để cúng Thiên Tử là vua.
Cúng Giao thừa trong nhà
Lễ cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng Thổ Công, vị thần cai quản trong nhà. Mâm cỗ cúng Giao thừa trong nhà tương tự như lễ cúng giao thừa ngoài trời, tuy nhiên sẽ bỏ mũ chuồn.
Thường thì ở một số gia đình sẽ có thêm cả các món chè như chè hoa cau, chè kho,… để cúng Giao thừa.
(Ảnh minh họa)
Tùy theo mỗi vùng miền mà mâm cỗ cúng Giao thừa cũng có những sự khác biệt riêng. Nếu như miền Bắc mâm cỗ rất đầy đủ các món mặn, đặc biệt không thể thiếu gà luộc thì miền Nam thì mâm cỗ cúng có thể đơn giản hơn với mâm ngũ quả, hoa cúc vạn thọ, lư hương, hai cây nến, giấy tiền vàng và một quả dừa tươi đã chặt sẵn.
Cỗ mặn có thể bao gồm bánh chưng, giò chả, xôi gấc, thịt gà, xôi đậu xanh, các món ăn mặn tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ ngọt và chay gồm hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt tết, rượu bia và các đồ uống khác.