Về thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) - "thủ phủ" mai vàng miền Trung thời điểm này, nhiều người không khỏi trầm trồ rồi tỏ ra tiếc nuối bởi những vườn mai cành, mai chậu ở nhiều nhà vườn đã bung nở rực rỡ.
Thị xã An Nhơn được xem là “thủ phủ mai vàng” của miền Trung, nơi đây có hơn 1.500 hộ nông dân trồng mai, diện tích 145ha, với số lượng từ 1,6-2 triệu chậu mai. Mai ở đây được phân bổ bán ra thị trường cả nước. Thu nhập từ việc trồng mai kiểng của người dân địa phương có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, có nhiều hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ việc bán mai kiểng.
Nhưng năm nay, chưa kịp vào vụ tết, hoa mai đã nở vàng rực rỡ muôn ngả...
Với tâm trạng đứng ngồi không yên, ông Nguyễn Đình Minh một người trồng mai có thâm niên lâu đời tại làng mai Nhơn Hưng cho biết, mấy hôm nay cứ hết về nhà lại ra vườn, có khi một ngày ông đảo qua đảo lại giữa vườn mai và nhà mấy bận, mới hôm qua ông ra vườn nhiều nụ chỉ như cái đầu tăm, vậy mà sáng nay vẫn các nụ hoa đó đã nhú bằng hạt gạo, to gần gấp đôi hôm trước, những nụ hôm qua chúm chím thì nay đã nở bung rực rỡ.
Mọi năm, vào thời điểm này, gia đình ông Minh và những người trồng mai tại Bình Định mới bắt đầu thuê nhân công “ôm cây, lặt lá” để cây mai có thể nở hoa đúng vào dịp tết.
“Vậy mà năm nay, cây mai chưa lặt lá thì đã ra hoa mất rồi”, ông Minh lắc đầu nhìn vườn mai có hơn 2000 gốc thì hơn 2/3 số đó đã ra hoa.
Hoa mai tại các nhà vườn ở thị xã An Nhơn đã nở rộ mặc dù người trồng chưa lặt lá.
Không chỉ vườn mai của gia đình ông Minh, dọc theo các vườn mai ở xã Nhơn Hưng, Nhơn An, Nhơn Phong (thị xã An Nhơn)…rất nhiều chậu đã bung cánh, có những vườn mai đã rộ hoa cả vườn dù người trồng chưa lặt lá.
Vườn mai của gia đình bà Nguyễn Thị Mai (xã Nhơn Hưng) có hơn 3000 chậu thì cũng hơn 2000 chậu hoa đã nở bung.
"Mai nó nở một cách như chưa bao giờ được nở. Vàng rực từ trên xuống dưới. Nhiều người đi qua đi lại ai cũng ngắm và trầm trồ", bà Mai cho biết.
Dù đã có 14 năm kinh nghiệm trồng mai kiểng nhưng ông Nguyễn Đình Minh, 54 tuổi xã Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) vẫn không thể cứu vườn mai của mình khỏi tình trạng nở sớm.
Theo bà Mai, để hoa nở đúng dịp thì thường cách Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng là nhà vườn bắt đầu lặt lá. Năm nay, chưa nhà vườn nào lặt lá, nhưng mai đã nở bung gần hết. Nhiều gốc mai cổ thụ to đại, nếu nở đúng dịp tết như mọi năm, giá thuê có thể lên đến hàng chục triệu đồng nhưng năm nay nụ đã nở hết, rải rác ở một số cây, hoa đã tàn.
Việc hoa mai nở sớm cũng đồng nghĩa với việc tết này người trồng mai và những người làm công có nguy cơ làm không công cả năm trời, không có thu nhập.
Nghề trồng mai đem lại cuộc sống ổn định cho người dân thị xã An Nhơn (Bình Định), trong đó không ít hộ dân đã cất được nhà lầu, mua xe hơi, có tiền cho con cái học thành tài. Tuy nhiên, năm nay nhiều người trồng mai ở thủ phủ mai Bình Định xác định thất thu vì mai trổ bông sớm.
Mỗi năm cả nhà ông Minh đều trông chờ vào dịp cuối năm để có thể tiêu thụ những cây mai kiểng mà gia đình dày công chăm sóc mang về nguồn thu nhập tranh trải cho cuộc sống gia đình và có kinh phí chuẩn bị cho mùa mai năm sau. Hoa mai càng "cười" sớm thì nỗi lo mất mùa càng khiến những người trồng mai muốn khóc.
“Với tình hình hiện tại, thời tiết nắng ấm, ít lạnh, làng mai không biết còn có thể sầm uất, nhộn nhịp như mọi năm không. Năm nay chắc khó thấy cảnh những bóng đèn sáng thâu đêm, những túp lều căng hai bên đường trông mai để bán cho khách”, nói rồi ông Minh thở dài, bởi theo như ông kể thì ở làng mai truyền thống này kinh nghiệm ai cũng có thừa, nhưng cũng không thể lường trước được với ông... Trời.
Hoa không những nở mà một số cây cũng đã kịp đậu trái trong vườn nhà ông Minh.
Vườn nhà ông Minh có 2000 gốc mai, nếu hoa ra đúng dịp tết thì dự tính thu về khoảng 300-400 triệu đồng, nhưng giờ hoa nở hết, dự tính chỉ bán ra được tầm khoảng 200 cây. Không đủ bù tiền phân, tiền thuê công uốn cây và lặt lá.
Nhà bà Mai cũng dự tính vụ tết này chỉ bán ra được khoảng 200 chậu trong hơn 3000 chậu trong vườn nhà. Các đơn hàng ngoài Bắc gọi vào đặt hàng bà cũng không dám nhận, chỉ vì sợ không có hàng để giao.
Bà Mai cho biết, mai nở sớm không phải chuyện lạ. Nhưng năm nay mai nở sớm một cách khác thường, sớm hơn rất nhiều so với những năm về trước.
"Năm nay chưa thấy đợt lạnh nào. Giữa tháng 11 âm lịch rồi mà trời nắng chang chang chẳng khác gì mùa hè, có áp dụng cách chi rồi cũng chịu”, bà Mai nói và tỏ ra bất lực, không thể hãm được những cây mai nở hoa.
Không riêng gì gia đình ông Minh, hay bà Mai tại thị xã An Nhơn có quá nhiều hộ trồng mai gặp phải tình trạng tương tự khiến chủ vườn phải chấp nhận bỏ vụ mai này.
Theo những người trồng mai có thâm niên tại thị xã An Nhơn, trồng mai phải vất vả chăm sóc quanh năm, từ những ngày đầu ươm cây, rồi tạo thế, uốn gốc. Thế nhưng thành bại lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Bà Nguyễn Thị Mai cùng với con trai bà duy trì vườn mai hơn 3000 chậu, nhưng đợt này dự tính bán ra được khoảng 200 chậu. Các đơn hàng ngoài Bắc gọi vào nhà bà Mai không dám nhận, chỉ vì sợ không có hàng để giao.
“Giờ mai nhà nở hết rồi, năm nay chúng tôi coi như mất tết. Tuy trồng mai đã nhiều năm nay, nhưng việc chăm sóc, khống chế mai nở theo ý muốn là rất khó, tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết bình thường, người trồng chủ động bứt lá điều tiết cho ra nụ, nở hoa phù hợp.Còn năm nay, nắng nhiều lại thêm gặp mưa, cây tự rụng lá ra nụ thì không thể khống chế được”, bà Mai chia sẻ.
Cũng theo bà Mai, cả năm, gia đình chỉ trông chờ vào những ngày cuối năm mới có nguồn thu. Đến giờ những cây còn lại cũng chưa dám lặt lá vì không thể dự đoán được thời tiết như nào. Cây mai nhỏ thì đơn giản, những cây mai lớn được ghép gốc, đầu tư kỹ lưỡng để cuối năm xuất đi thì đã nở bung, không bán được nên thiệt hại nặng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bỏ công bỏ sức nhiều là vậy nhưng nghề trồng mai như “đánh bạc” với thiên nhiên, năng suất và sinh lời cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Bà Phan Thị Dương (thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) cho biết, hiện nay giá thuê nhân công uốn mai là 280.000 đồng/ngày, tiền ăn xế 20.000, tiền công lặt lá 180.000/ ngày, tiền phân bón cũng tăng gần gấp đôi so với những năm trước.
“Chi phí 1 năm cho một 1000 chậu mai tối thiểu là 25-30 triệu đồng, tới thời điểm hiện tại nhà bán được 100 cây, lấy lại tiền bỏ ra cũng là điều may mắn lắm. Từ giờ tới tết bán được thêm nữa thì bán, không thì để năm sau chăm lại.”, bà Dương ngậm ngùi.
Bà Dương cũng cho biết, người trồng mai ở Bình Định năm nay khó để có thể có hàng cung cấp cho các vùng miền.
Bà Dương nói thêm: "Nhìn mai đâm nụ, trổ hoa mà chúng tôi như ngồi trên đống lửa, cứ mỗi cây nở hoa là hàng triệu đồng lại ra đi. Buồn muốn khóc".