Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Huế sẽ là xứ sở mai vàng sánh ngang với hoa anh đào của Nhật Bản

(VTC News) -

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế khẳng định, địa phương có đủ điều kiện để phát triển trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Sáng 10/2, nhiều giống mai quý được trưng bày tại triển lãm "Mai vàng Huế - Tuyệt tác mùa Xuân" do Sở Khoa học tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Tiềm năng phát triển và Định hướng bảo tồn các giống mai Mai vàng Huế” tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế). 

Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế khẳng định, Huế có đủ điều kiện để xây dựng, phát triển trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam và nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. Lãnh đạo chính quyền đang đặt ra mục tiêu nói trên và mong người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật cảnh, chủ vườn, người chơi mai lâu năm đồng tình hưởng ứng.

Nhiều cây mai có dáng độc đáo và những giống mai quý được trưng bày tại sự kiện.

Cũng tại sự kiện, nhiều đại biểu, chuyên gia đồng tình với phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế và mong muốn Thừa Thiên - Huế sớm trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp để bảo tồn và phát triển loài cây này.

Ông Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, mai vàng được trồng gắn liền với một sự kiện trọng đại của gia tộc như: làm nhà, cưới vợ, sinh con, hay quà tặng của một tri kỷ từ một giống mai quý. Phát xuất từ đặc tính sinh học, thời tiết Huế làm cho hoàng mai chậm phát triển, thân lại giòn và cứng nên yếu tố lão đã làm nên giá trị của hoàng mai Huế.

Ông Hằng cho rằng, nên khảo sát hiện trạng các cây hoàng mai Huế thuộc dạng "cổ điển" ở Huế và các địa phương để kịp thời có nguồn nhân giống. Đồng thời, tham vấn quy trình kỹ thuật, nghệ thuật, cũng như hỗ trợ chủ nhân các cây mai những vấn đề cần thiết.

Cây mai đột biến có tên "Cành vàng lá ngọc" thu hút người tham gia sự kiện bởi có màu vàng non khác lạ với những màu lá của những cây khác. Chủ nhân cây mai này cho biết, cây chủ là giống hoàng mai Huế nhưng nhờ lai giống tạo ra sự đột biến với việc cho ra lá, ngọn, búp có màu vàng nõn như màu ngọc quý, dịp Tết Nguyên Đán có người trả 200 triệu đồng nhưng chủ nhân cây mai này không bán.

"Có được kết quả này sẽ là một kho tàng tri thức độc đáo đặc biệt mà lâu nay ít được quan tâm tìm hiểu và văn bản hóa. Đơn vị cảnh quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện từ rất sớm việc ươm tạo cây con từ các giống mai ngự là rất đáng trân trọng. Cần được khuyến khích, thậm chí phải ưu tiên thương hiệu hóa, biến thành hàng hóa như một mặt hàng đặc biệt. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc lập hồ sơ pháp lý trên phương diện đăng ký thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý cho mai vàng xứ Huế trong thời gian tới", ông Hằng kiến nghị.

Ông Đỗ Xuân Cẩm - Chuyên gia Thực vật học của Trường Đại học Nông lâm Huế cho hay, phải nghiên cứu, đánh giá toàn bộ nguồn gen của giống mai vàng. Lựa chọn những cây mai vàng lâu năm nhất, tốt nhất và tiến hành nghiên cứu các quy trình nhân giống, quy trình trồng và chăm sóc. Hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia "hiến kế" bảo tồn các giống mai vàng Huế và mong muốn, ủng hộ để xây dựng, phát triển Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, giống mai Huế có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên còn một số nhược điểm. Do vậy một mặt cần bảo tồn, mặt khác cần phải chọn những cá thể đột biến tự nhiên có lợi và chủ động lai tạo ra các dòng mai mới. Từ đó phát triển để bổ sung làm phong phú các giống mai ở Huế, khắc phục những khiếm khuyết kể trên. 

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới