Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, Trung Quốc đã thông báo cho tỉnh Hà Giang về việc dự kiến xả đập Ma Lu Thàng vào lúc 15h ngày 11/9 đến 14h00 ngày 12/9 với khối lượng xả tối đa là 250 m3/giây.
Sau các trao đổi của Việt Nam, cơ quan chức năng. Trung Quốc sẽ giảm khối lượng xả tối đa từ 250 m3/giây thành 200 m3/giây và lùi thời gian xả lũ thành 16h30 ngày 11/9.
Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan của Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích giữ an toàn cho đập nước.
Đối với thượng nguồn sông Nguyên/sông Hồng, phía Trung Quốc khẳng định tất cả các nhà máy thủy điện và đập nước của Trung Quốc không xả lũ.
Chuyến hàng viện trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đầu tiên từ Chính phủ Australia sẽ đến sân bay Nội Bài lúc 18h20 ngày 11/9.
Chính phủ Australia viện trợ cho Việt Nam 264 dụng cụ vệ sinh cá nhân, 120 dụng cụ bếp, 600 chăn, 264 dụng cụ sửa chữa nhà cửa, 600 thảm ngủ, 522 tấm bạt che và 360 cái màn.
Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre) gửi tới Việt Nam 2.002 bộ dụng cụ gia đình (gồm: xô nhựa, túi đựng nước, khăn tắm, áo phông, màn chống muỗi, nến đài FM); 1.008 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa (gồm: dây thừng, cưa gỗ cầm tay, đinh đóng kim loại, xẻng, cuốc, kéo, đinh đóng góc, dây buộc, búa); 1.015 bộ dụng cụ bếp (bao gồm: Nồi, bát, đĩa, dao, thìa. Nĩa, cốc, muôi gỗ) và 3.031 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân (bao gồm: Bột giặt, băng vệ sinh, khăn tay, bài chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng vệ sinh, dầu gội).
Số hàng viện trợ của AHA Centre dự kiến được chuyển đến sân bay Nội Bài trong khoảng ngày 13-14/9.
Tổ chức JICA của Nhật Bản sẽ viện trợ 40 máy lọc nước cầm tay (lọc bơm, lõi lọc bằng gốm; tốc độ lọc 4lít/ phút, công suất lọc tối đa 100.000 lít) và 200 tấm bạt nhựa đa năng (chất liệu: nhựa HDPE Kích thước: 50x4m). Dự kiến hàng viện trợ sẽ đến Hà Nội trong khoảng ngày 16-17/9.
Theo số liệu quan trắc mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời điểm đo lúc 16h ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội hiện đang dừng lại. Mực nước là 11,22m, dưới báo động 3 là 28cm.
Trong khi đó, chiều 11/9, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, phần lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, lượng mưa xu thế giảm so với hai ngày trước.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia đánh giá, mặc dù còn ở mức nguy hiểm nhưng áp lực lúc này đã giảm so với 24 giờ qua.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến trưa nay, toàn thành phố có 126 trường tạm dừng đón học sinh, học tập trực tiếp tại trường do ảnh hưởng của mưa lớn.
So với ngày hôm qua, số trường nghỉ học tăng gần 10 đơn vị. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, trời còn mưa lớn thì dự báo số lượng trường phải tạm dừng học trực tiếp sẽ còn nhiều hơn.
Một lớp học online sáng nay trường Lương Thế Vinh.
Nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố thay đổi kế hoạch học sang trực tuyến từ ngày 11/9. Trường THPT Quang Minh (Mê Linh) thông báo, dù khu vực trường chưa ngập, nhưng nhiều tuyến đường đến trường, nơi học sinh đi qua đang bị ngập nặng, để đảm bảo an toàn, học sinh học onlien từ 11/9 đến khi có thông báo mới.
Dựa trên tình hình thời tiết và thông báo mất điện của điện lực quận Nam Từ Liêm, trường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) cho giáo viên, học sinh nhà trường chuyển dạy và học online trong ngày 11/9.
Trường THPT Phan Huy Chú (Quốc Oai) thông báo cho học sinh ra về từ 13h30 ngày 10/9. Từ ngày 11/9, học sinh toàn trường sẽ học online cho đến khi có thông báo mới.
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo chuyển đổi hình thức dạy học sang trực tuyến từ thứ Tư ngày 11/9 trên Ms.Teams.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, hiện 2 trường ở xã đảo Minh Châu, gồm trường tiểu học Minh Châu và trường THCS Minh Châu chuyển sang dạy học trực tuyến.
Phòng yêu cầu các trường bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực 24/24h tại các trường, điểm trường để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Huyện Ba Vì có 30 xã và 1 thị trấn với tổng số 110 trường học. Xã Minh Châu là xã đảo duy nhất của thành phố Hà Nội có 3 trường học ở ba cấp: mầm non, tiểu học và THPT.
Nước lũ từ sông Bùi lên trong đêm khiến nhiều nơi ở vùng "rốn lũ" xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chìm trong biển nước.
Từ 6h sáng, lực lượng chức năng đã dùng xe lội nước hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi nơi úng ngập.
Trước đó, ngày 10/9 lực lượng chức năng đã di dời 251 hộ, 130 người già trên 80 tuổi, 129 người khuyết tật, 22 phụ nữ có thai, 489 trẻ em dưới 10 tuổi.
Chỉ trong vòng 2 tiếng buổi sáng có hàng trăm người dân được đưa ra khỏi những điểm ngập nặng.
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VTC News tại xã Nam Phương Tiến, nhiều nơi nước ngập sâu từ 1-1,5m, nước tràn vào nhà dân và đang lên dần.
Nước lên nhanh khiến đê Bùi 2 bị tràn, khu vực thôn Nam Hài nước đã ngập sâu.
Mặc dù trước đó, chính quyền địa phương đã kêu gọi di dời người và tài sản ra khỏi những nơi nguy cơ ngập nặng, tuy nhiên trong trận lũ vẫn có những gia đình phải di chuyển tài sản.
Ông Nguyễn Văn Trắc (áo xanh) chia sẻ: "Gia đình đã kê đồ đạc lên cao hơn mức lũ bình thường khoảng 50cm, tuy nhiên chỉ trong đầu giờ sáng nước đã lên cao khoảng 1,5m, đã ngập tới miệng chúng tôi".
Một cửa hàng tạp hoá đối diện đình Nam Hài nước đã bủa vây 4 phía.
Chủ cửa hàng chọn cách nước đến đâu, kê gạch tới đó.
Công nhân ngành điện lực phải đi bằng thuyền phao vào vùng cần xử lý sự cố. Theo lãnh đạo xã Nam Phương Tiến cho biết, nước lũ đến đâu sẽ chủ động ngắt điện tới đó.
Lực lượng Công an hỗ trợ đưa người dân ở phố Hồng Hà ra khỏi vùng ngập.
Người dân linh động sử dụng xuồng máy, thuyền để di chuyển tại vùng ngập lụt.
Một số người dùng cả thuyền kayak để đi lại, đảm bảo tính gọn nhẹ.
Chị Đông ở phố Hồng Hà phải lội nước ra ngoài mua thức ăn. Chị kể, chiều qua còn chưa có nước, tới sáng nay, nước đã ngập ngang người.
Người dân di chuyển trên con ngõ 301 phố Hồng Hà bằng thuyền máy.
Ngõ 301 phố Hồng Hà, Phúc Xá, Ba Đình ngập sâu, nơi cao nhất tới 1m, ngang ngực. Để di chuyển ở đây, người dân buộc phải dùng thuyền.
Nhiều nhà dân phải dùng bao cát chắn nước không vào sâu trong nhà.
Lúc 10h30 hôm nay (11/9), nước trên sông Hồng khu vực Hà Nội đạt báo động 2. Cuộc sống của nhiều người dân phía ngoài đê gặp khó khăn vì nước dâng lên nhà.
Một người dân ở Phúc Xá, phường duy nhất của quận Ba Đình nằm ngoài đê sông Hồng, sử dụng thuyền kayak chở đồ ăn trên phố bán cho các nhà dân đang mắc kẹt trong nước lũ. Đồ ăn trên chiếc thuyền gồm bánh mỳ, cơm hộp,...
Theo chia sẻ của người dân, lúc 9h30, mực nước chỉ ở dưới đầu gối. Tuy nhiên, sau hơn 1 tiếng đồng hồ, mực nước đã dâng quá gối. Việc đi lại càng lúc càng khó khăn.
Một học sinh của gia đình ở phố Phúc Xá sáng sớm vẫn lội nước đi học, tuy nhiên nhà trường cho nghỉ nên em quay về nhà.
Nước vẫn đang dâng cao khiến cho các phương tiện đi qua khu vực này ngày càng khó khăn.
Người dân cho biết họ vẫn bình tĩnh đối phó dòng nước lũ và không chọn phương án di tản. Họ chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống, bếp gas phòng khi mất điện. Tinh thần là nước đến đâu kê cao đồ đến đấy.
Ngày 11/9, Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng vừa giải cứu được 3 người mắc kẹt ở bãi giữa sông Hồng do mưa lũ.
Khoảng 17h47 ngày 10/9, Công an quận Ba Đình nhận tin báo có người dân mắc kẹt tại khu vực bãi giữa sông Hồng, ngay sau đó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai 1 xe chỉ huy cùng 5 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tổ chức CNCH.
Hoa màu của người dân tại bãi Phúc Xá chìm trong nước. (Ảnh: Lê Phú)
Ngay sau đó, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội cũng điều động 2 xuống máy và cán bộ chiến sỹ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Phòng Cảnh sát Giao thông đến hiện trường phục vụ cứu nạn, cứu hộ.
Qua tìm hiểu, các nạn nhân đều có hộ khẩu thường trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, họ di chuyển ra bãi giữa sông Hồng từ khoảng 13h-15h ngày 10/9 để sắp xếp, vận chuyển đồ của gia đình vào bờ nhưng bị mắc kẹt lại do nước dâng cao.
Trong thời tiết khắc nhiệt hiện nay (mưa lớn, kèm theo gió mạnh), lực lượng công an đã chủ động di chuyển bằng xuồng máy tiếp cận khu vực người bị nạn mắc kẹt và phối hợp, sử dụng các biện pháp cứu nạn, cứu hộ.
Đến khoảng 19h05, lực lượng chức năng cứu được 3 người bị nạn vào bờ an toàn, sức khỏe bình thường.
Hàng triệu đồng bào miền Bắc đang phải chống chọi với mưa lụt, thiên tai khủng khiếp chưa từng có. Công cuộc cứu trợ đồng bào vùng lũ lúc này rất cần sự chung tay của người dân cả nước. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ giúp vơi bớt những đau thương, mất mát, giúp đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin gửi về Báo điện tử VTC News, số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Nội dung xin ghi rõ: Ung ho 24055. Hoặc quý độc giả có thể quét mã QR code.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian sớm nhất.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.