Bài viết này của cô giáo Bùi Thị Thanh Hương, Trường Tiểu học Bình Sơn 3, Hòn Đất, Kiên Giang hưởng ứng Giải báo chí "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương" do VTC News chủ trì tổ chức, góp thêm một ý kiến nhỏ để chung tay bảo vệ môi trường sống an toàn hơn.
Hiện nay, các vấn đề xoay quanh rác thải nhựa luôn được quan tâm hàng đầu. Một trong số đó phải kể đến vấn nạn xả thải rác nhựa trên biển. Rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải biển và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Vậy, rác thải nhựa là gì?
Rác thải nhựa là cụm từ dùng để chỉ chung những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến và bị đem vứt bỏ. Rác thải nhựa trên biển bao gồm: Túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, đồ chơi cũ bằng nhựa,... Những sản phẩm này có đặc điểm chung là thời gian phân hủy rất lâu.
Rác thải nhựa nằm dưới đáy đại dương và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới nên để giải quyết cần có sự chung tay, nỗ lực chung của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của mỗi cá nhân.
Ý thức kém của một số người du lịch đã làm tăng lượng rác thải nhựa ra môi trường biển.
Việt Nam là một trong những nước có đường bờ biển chạy dài với hơn 3200km. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nước ta có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như: Bãi Sao- Phú Quốc, Kiên Giang; Mũi Né - Bình Thuận... Bên cạnh những lợi ích to lớn mà ngành Du lịch biển đem lại là nỗi lo về vấn đề rác thải nhựa do người du lịch biển xả ra.
Dọc theo những bãi biển, nơi đón vô vàn những du khách ghé qua, ta thấy vô số chai, lọ nhựa vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định. Đó là do ý thức kém của một số người du lịch đã làm tăng lượng rác thải nhựa ra môi trường biển.
Rác thải nhựa không được phân loại, xử lý mà xả thẳng xuống ao, hồ, sông, suối... Sau đó, rác thải nhựa theo nguồn nước trôi ra biển. Khoảng 80% lượng rác thải nhựa trong đại dương có thể là do "nhựa chảy ra đại dương" sau khi đi qua các con sông. Đây là do ý thức của người dân đất liền khi tham gia hoạt động đánh bắt thủy hải sản, họ vứt thẳng rác xuống biển.
Chúng ta thường nghĩ các loại rác thải sau khi bị vứt đi sẽ vào các khu xử lý, thật ra thì một phần chúng sẽ được “tuồn” ra đại dương. Tính trung bình mỗi phút lại có một chiếc xe tải chở rác thải trong đó có nhựa đổ ra biển. Đặc biệt, hiện nay có thêm nhiều rác thải nhựa do đại dịch COVID-19 hoành hành bị xả ra biển.
Ngoài nhân tố con người, nguyên nhân có thể là do bão lũ, sóng thần… mà các loại rác thải nhựa trong đất liền vô tình bị cuốn ra biển.
Rác thải nhựa đang dần hủy diệt sự sống đối với sinh vật biển
Theo thông tin từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có khoảng 267 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải các mảnh vi nhựa trên biển. Trung bình trong mỗi con cá có 2,1 mảnh nhựa.
Sinh vật biển như chim, rùa, động vật có vú… thường nhầm rác thải nhựa là thức ăn và nuốt chúng vào. Rùa biển thường nhận nhầm túi nilon là sứa. Hải âu lại tưởng mảnh nhựa đỏ là mực…
Rác thải nhựa sau khi vào cơ thể sinh vật có thể gây tổn hại thành ruột hoặc gây tắc nghẽn, dẫn tới giảm khả năng hấp thụ của sinh vật, thậm chí gây tử vong.
Rùa biển nhận nhầm túi nilon là thức ăn của chúng. (Nguồn ảnh: advertisingvietnam.com)
Tác động đến hệ thống nội tiết và điều hòa hormone trong cơ thể sinh vật
Khi sinh vật biển ăn phải rác thải nhựa, mà trong nhựa có chứa chất phụ gia nên sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống nội tiết và điều hòa hormone trong cơ thể chúng.
Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ cho biết, mỗi năm có khoảng 100.000 động vật có vú biển, hàng triệu loài cá, chim biển đã chết vì ăn rác thải nhựa. Các sinh vật biển này có thể chết do nhựa hoặc bị thiếu thức ăn do nhựa đã giết chết các sinh vật trong chuỗi thức ăn của chúng.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học của UC Davis vào tháng 11/2016 thì đã có trường hợp chim biển chết do ăn phải rác thải nhựa. Và họ ước tính đến năm 2050 sẽ có 99% chim biển ăn nhầm rác thải nhựa.
(Nguồn ảnh: biodiversitywarriors)
Rác thải nhựa gây ra cái chết cho rất sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt và không thể tìm kiếm được thức ăn. Đối với những sinh vật biển khi vướng vào rác thải nhựa mà không thể thoát ra được, chúng sẽ yếu dần và chết.
Rác thải nhựa sẽ gây ra cái chết của nhiều loài sinh vật biển, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng hoặc làm phá hủy, suy giảm đa dạng sinh học. Ngoài ra, rác thải nhựa còn làm thay đổi cấu trúc, thành phần loài của hệ sinh thái do việc chuyên chở các sinh vật ngoại lai thông qua rác thải nhựa từ nơi khác đến.
Hãy hành động ngay
Hơn bao giờ hết, mỗi người cần nhìn nhận rõ hơn những tác hại do rác thải nhựa mang đến cho sinh vật biển và có biện pháp xử lý kịp thời.
Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức để hạn chế việc xả rác thải ra sông vì đây là nguồn rác chính đổ thẳng ra biển. Cùng với đó, hãy phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định để tái chế, hủy bỏ đúng quy trình.
Chúng ta hãy hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, thay vào đó là dùng các sản phẩm có chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Người dân khi tham gia đánh bắt không vứt rác xuống biển, cần thu gom rác và mang về đất liền.
Ban quản lý tại khu du lịch biển cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho du khách, phân công người dọn dẹp rác thải ngay sau khi thực hiện các hoạt động du lịch trên biển; nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp phân loại, xử lý rác thải nhựa nhanh chóng nhất, giúp rút ngắn thời gian phân hủy rác thải, giảm lượng rác xả ra môi trường.
Đối với các công ty, doanh nghiệp, nhà hàng… nên chủ động sử dụng cốc giấy, túi giấy, ống hút sinh, túi và găng tay sinh học phân hủy hoàn toàn.
Toàn thể chúng ta đồng lòng thực hiện các chương trình chung tay làm sạch bãi biển, vệ sinh bãi biển; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình góp phần làm sạch môi trường.
Anh Đào Đặng Công Trung bên “chiến lợi phẩm” sau một chuyến lặn biển nhặt rác.
Mỗi chai, lọ, túi... nhựa mà các bạn thu gom được, sẽ góp phần cứu sống nhiều loài sinh vật biển. Do đó, đừng chần chừ, hãy hành đồng ngay hôm nay, ngay bây giờ để đại dương nói chung, sinh vật biển nói riêng “thoát chết” vì rác thải nhựa.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.