Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó, có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải trực tiếp ra biển (chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển thế giới). Tại một số bãi biển ở Thừa Thiên - Huế, rác thải nhựa xuất hiện nhiều hơn vào những mùa mưa lũ, nước lũ dâng cao kèm sóng biển mang lượng lớn rác thải vào bờ.
Thuận An là một trong những bãi biển nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế và thu hút một lượng lớn người đến vui chơi, giải trí đặc biệt là vào dịp lễ hoặc cuối tuần khiến lượng rác thải xả ra bãi biển này cũng vì thế mà tăng cao. Hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vắng bóng khách du lịch nhưng khối lượng rác thải ở bãi biển này vẫn tăng theo cấp số nhân. Nguyên do là rác thải nhựa trôi dạt trên biển được sóng đưa vào bờ, chất đống, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.
Túi nilong, lưới đánh cá, chai nhựa khó phân hủy trôi dạt vào bờ biển gây khó khăn trong công tác thu gom và xử lý.
Ngoài rác thải nhựa, tại bãi biển Thuận An cũng xuất hiện nhiều những loại rác thải mang tính sát thương như bóng đèn, mảnh vỡ thuỷ tinh... có thể gây nguy hiểm cho những du khách tắm biển.
Theo tìm hiểu, nguồn gốc của các loại rác thải nhựa đang "bủa vây" bãi biển Thuận An được xả thải ra hay từ các hộ gia đình, tàu thuyền thải ra biển và bị sóng trôi dạt vào bờ.
Việc bị rác thải bủa vây khiến môi trường biển ở Thuận An bị đe doạ mà còn làm xấu đi vẻ đẹp vốn có của bãi biển thu hút đông người bậc nhất ở Thừa Thiên - Huế.
Để làm sạch môi trường ở bãi biển Thuận An, chính quyền, người dân cùng đoàn thanh niên cũng tổ chức nhiều phong trào ra quân làm sạch biển, dọn vệ sinh, thu gom rác thải nhựa quanh khu vực biển, trả lại môi trường xanh, sạch, sáng.
Từ tháng 12/2020, chính quyền Thừa Thiên - Huế triển khai dự án: “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” và phối hợp cùng các tổ chức doanh nghiệp thu gom rác thải nhựa dọc bờ biển Thuận An và bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực.