Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, rạng sáng 2/4, nhiều địa phương ở Cao Bằng xuất hiện mưa đá, lốc xoáy.
Trận dông lốc kèm mưa đá kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, các hạt đá kích cỡ bằng khoảng đầu ngón tay. Mưa đá, lốc xoáy làm gần 600 ngôi nhà ở 5 huyện bị tốc mái.
Nhiều ngôi nhà ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng tốc mái, hư hỏng nặng. (Ảnh: Đ.X.)
Tại huyện Bảo Lạc cũng có nhà dân bị tốc mái nhưng do địa hình xa, phức tạp, giao thông khó khăn, một số xóm chưa có sóng điện thoại nên đến nay chưa thống kê được đầy đủ thiệt hại.
Ngoài ra, hơn 131 ha cây ngô, cây thuốc lá ở 3 huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa và Bảo Lâm bị gãy, đổ do mưa, lốc.
Trước đó, trong hai ngày 28 - 29/3, mưa đá, dông lốc tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế làm hơn hơn 2.200 nhà tốc mái.
Mưa đá, dông lốc cũng khiến 2 người bị thương. Mạng lưới điện ở nhiều khu vực bị mất cục bộ do 46 cột điện đổ. Hơn 2.400 ha lúa, hoa màu và cây trồng bị thiệt hại; 253 ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; 85 chuồng trại hư hỏng; 0,12 ha ao cá bị thiệt hại; 29 nhà văn hóa, nhà xưởng, trường học tốc mái.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hiện nay đang là thời kỳ giao mùa từ mùa đông sang mùa hè, do vậy trong tháng 4, tháng 5, thậm chí tháng 6 sẽ thường xuyên xảy ra mưa dông, mưa đá, không chỉ ở Bắc Bộ mà có thể diễn ra trên toàn quốc.
Về dấu hiệu nhận biết, ông Tuấn khuyến cáo người dân khi thấy khu vực xuất hiện gió mạnh, nhiệt độ giảm đột ngột, đồng thời mây đen sì, vần vũ bao quanh thì cần đặc biệt cảnh giác vì khả năng rất cao xảy ra mưa đá.