Trả lời PV VTC News, đại diện TP Hạ Long cho biết, chiều 29/3, tại địa phương xảy ra mưa dông khiến một số cây cối, cột điện, biển quảng cáo bị gãy đổ, rất may không có thiệt hại về người. Tại phường Hoành Bồ có mưa đá còn tại TP Cẩm Phả xảy ra mưa lớn, dông.
Mưa đá xuất hiện tại Quảng Ninh. (Ảnh: Vietnamnet)
Những ngày gần đây, dông lốc và mưa đá liên tục xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái gây thiệt hại nặng nề về tài sản và cây trồng, hoa màu của người dân.
Huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) cũng hứng trận mưa đá hiếm gặp chiều 28/3. Mưa đá rơi xuống với tần suất dày đặc, có những hạt mưa đá to bằng quả táo, quả mận khiến nhiều nhà dân hư hỏng, hoa màu, cây cối gãy đổ.
Sáng 28/3, một trận mưa đá lớn trút xuống nhiều xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), khiến nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng.
Đến chiều, tại huyện Mộc Châu (Sơn La) xuất hiện mưa đá kéo dài 20 phút. Các viên đá có đường kính 1-2cm, kèm mưa to, gió mạnh làm ảnh hưởng khoảng 2.500 ha mận hậu của người dân.
Khung cảnh sau trận mưa dông chiều 29/3. (Ảnh: Fanpage của Trung tâm truyền thông Quảng Ninh)
Theo lý giải của ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan trên là do thời gian qua xuất hiện những đợt không khí lạnh yếu. Trong khi đó, vùng áp thấp phía Tây phát triển và mở rộng, đồng thời vùng gió trên mực 5.000 m di chuyển từ phía Tây sang phía Đông. Tất cá các tổ hợp này tạo nên xáo động rất lớn ở các tỉnh thành miền Bắc, đặc biệt khu vực các tỉnh miền núi.
Vì vậy, mưa dông xảy ra tương đối nhiều và dày đặc trong những ngày qua. Đặc biệt trong hôm qua và hôm nay, mưa đá xuất hiện ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc.
Hiện nay đang là thời kỳ giao mùa chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng, khả năng bất ổn định trong không khí là rất lớn. Tháng 4, tháng 5, thậm chí tháng 6, dông lốc có thể xảy ra rất nhiều trên toàn quốc, không chỉ ở Bắc Bộ. Người dân cũng cần cảnh giác mưa đá đi kèm.