Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loài giun điên ham ăn vô độ, không giao phối vẫn đẻ khỏe

(VTC News) -

Loài giun nhảy lần đầu tiên được phát hiện ở bang Wisconsin (Mỹ) năm 2013 giờ xuất hiện tại hơn chục bang miền Trung Tây nước Mỹ.

Loài giun này có tên khoa học là Amynthas spp, có nguồn gốc từ Đông Á nhưng được đưa vào Mỹ làm mồi câu cá. Chúng còn được gọi là giun điên, giun nhảy Alabama hoặc giun rắn.

Giun nhảy ăn chất hữu cơ trong đất, tiêu thụ các chất dinh dưỡng quan trọng mà thực vật, nấm và động vật cần để phát triển.

Theo báo cáo của KTVI, khi giun nhảy lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, nó chỉ giới hạn ở các vùng dọc theo bờ biển nước Mỹ nhưng sau đó lan rộng vào đất liền.

Một con giun nhảy trưởng thành có thể dài từ 10-13 cm. (Ảnh: iStock)

Nguồn gốc cái tên giun nhảy xuất phát từ hành vi của chúng. Sinh vật này đặc biệt hung dữ, có cách di chuyển giống rắn và có thể tự rụng đuôi để thoát hiểm. 

Một con giun nhảy trường thành có thể dài từ 10-13 cm. Chúng có màu nâu xám với một dải màu trắng bao quanh cơ thể. 

"Những con giun này làm hỏng rễ cây, làm thay đổi khả năng giữ nước của đất. Đây là mối quan tâm đặc biệt trong các khu rừng của chúng tôi, nơi chất hữu cơ bị hạn chế. Điều quan trọng là phải ngăn chặn sự lây lan của giun nhảy", chuyên gia Nicole Flowers-Kimmerle tới từ Đại học Nông nghiệp và Tài nguyên Illinois cho hay.

Do ham muốn chất dinh dưỡng trong đất, loài giun này phát triển nhanh gấp đôi so với các loài khác. 

"Chúng sinh sản mà không cần giao phối, làm hư hại nghiêm trọng rễ cây khiến cây yếu hơn, dễ bị sâu bệnh, thiếu nước và bệnh tật", Flowers-Kimmerle giải thích. 

Những con giun nhảy trưởng thành không thể sống sót qua mùa đông lạnh giá ở miền Trung Tây nước Mỹ, nhưng trứng của chúng có thể.

Các chuyên gia Mỹ thừa nhận hiện không có biện pháp nào để giảm bớt sự lây lan của loài giun này trên toàn quốc. 

Giun nhảy thường được tìm thấy cách mặt đất vài cm. Các khu vực mà chúng ẩn náu có hình dạng bã cà phê.

Diệu Hoa

Tin mới