Đúng ngày tưởng niệm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2024), chính quyền và nhân dân thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) tổ chức lễ gắn tên đường mang tên anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương - thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo đá Gạc Ma.
Tuyến đường được chính quyền thị xã Ba Đồn chọn đặt tên liệt sỹ Trần Văn Phương dài khoảng một cây số chạy dọc sông Gianh dẫn ra cửa biển thuộc tổ dân phố Mỹ Hoà (phường Quảng Phúc) Tuyến đường được đặt tên liệt sỹ Trần Văn Phương càng trở nên ý nghĩa khi hướng thẳng vào nhà nơi quê hương liệt sĩ. Nó như gạch nối giữa nơi sinh và và nơi liệt sỹ Phương đã ngã xuống cách đây 36 năm để bảo vệ Gạc Ma.
Tên liệt sỹ Trần Văn Phương được đặt cho tuyến đường ở tổ dân phố Mỹ Hoà (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Phạm Phú Thép)
Trước khi diễn ra buỗi lễ đặt tên đường thì ngay trong chiều 13/3, mọi công tác được chính quyền và nhân dân thị xã Ba Đồn chuẩn bị kỹ lưỡng. Người dân địa phương cũng tổ chức phát quang đường, một phần đất sộng sát bờ sông Giang được san bằng, dọn dẹp sạch sẽ để làm lễ gắn bảng tên và lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 36 năm trước.
Bên trong con đường mang tên liệt sỹ Trần Văn Phương ở thị xã Ba Đồn. (Ảnh: Phạm Phú Thép)
Cách đây 36 năm, liệt sỹ Trần Văn Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển khơi trong cuộc chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma (14/3/1988).
Học xong lớp 10, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, liệt sỹ Trần Văn Phương lên đường nhập ngũ và sau đó được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Tháng 1/1984, liệt sỹ Trần Văn Phương được bổ sung về làm Khẩu đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.
Cuối năm 1985, Trần Văn Phương được cử đi học trường Quân chính Quân khu 7. Tháng 1/1986, anh được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng và đề bạt quân hàm Thiếu úy. Tháng 3/1988 Thiếu úy Trần Văn Phương trở thành Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa).
Tháng 3/1988, thiếu úy Trần Văn Phương lúc ấy đi trên tàu HQ 604 có nhiệm vụ cùng với Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư, Lê Hữu Thảo và Hoàng Văn Chúc chịu trách nhiệm đổ bộ từ tàu lên đảo chìm, cắm quốc kỳ và giữ cờ chủ quyền trên đá Gạc Ma.
Rạng sáng 13/3, tàu HQ 604 đến điểm thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 100 mét. Các tàu Trung Quốc lập tức vây quanh và bắc loa yêu cầu bộ đội Việt Nam rời khỏi cụm đảo.
Rạng sáng 14/3, tổ bảo vệ cờ do thiếu úy Trần Văn Phương đổ bộ lên đảo chìm để cắm cờ. Cùng lúc đó, nhóm công binh của Trung đoàn công binh 83 cũng vận chuyển vật liệu đưa xuống xuồng vào đảo Gạc Ma để làm nhà cao chân.
Phía Trung Quốc ngay lập tức đều động 4 xuồng máy chở khoảng hơn 50 lính vũ trang, đổ bộ lên đảo, dùng vũ lực nhổ cờ Việt Nam. Trong quá trình bảo vệ đảo và lá cờ thiêng liêng, thiếu uý Phương hy sinh.