Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xúc động lễ dâng hương tưởng nhớ 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma

(VTC News) -

Buổi lễ dâng hương tưởng nhớ 64 chiến sỹ hy sinh được tổ chức trang nghiêm, xúc động tại khu tưởng niệm Gạc Ma (tỉnh Khánh Hòa) vào tối 13/3.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng nhiều lãnh đạo UBND Khánh Hòa, các cựu chiến binh, cựu quân nhân và thân nhân của các gia đình đã thành kính dâng hương tưởng nhớ những liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp hương tại mộ gió.

Sau khi dâng hương, đặt vòng hoa tại tượng đài, các đại biểu thắp hương tại khu mộ gió. Ngoài ra, ban tổ chức còn thả hoa đăng hướng về cội nguồn, tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước tại đảo Gạc Ma.

Trong dòng người dâng hương tại khu tưởng niệm, câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi) - chị gái liệt sỹ Nguyễn Tất Nam (một trong số 64 chiến sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma) khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.

Thả hoa đăng hướng về cội nguồn, tri ân những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước tại đảo Gạc Ma.

Bà Hường quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cứ đến ngày này tháng 3 hằng năm, bà khăn gói từ quê vào Khánh Hòa, tới khu tưởng niệm Gạc Ma để thắp nén hương cho em trai cùng đồng đội.

35 năm trôi qua sau trận sự kiện Gạc Ma, bà Hường vẫn nhớ như in từng câu, từng chữ trong lá thư cuối cùng mà gia đình nhận được trước khi em trai hy sinh. 

Bà Hường xúc động khi nhắc đến em trai - liệt sỹ Nguyễn Tất Nam.

"Trước khi lên tàu ra đảo, ngày 10/3/1988, Nam viết vội bức thư gửi về nhà, em trai nhắn nhủ mọi người ở nhà đừng lo, nhận được điện thư thì nhớ hồi âm cho em. Nào ngờ, đó là lần cuối cùng gia đình nhận được thư của em", bà Hường bật khóc.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, hiện công tác tại Vùng 4 Hải quân - là con trai của liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong cũng bày tỏ sự xúc động khi nhớ về người cha anh hùng và những đồng đội của ông. Anh Tiến từng đi công tác ra Trường Sa, qua nơi cha anh và các đồng đội đã hy sinh. Khi nhìn lại từng di ảnh, kỷ vật của cha và đồng đội đã ngã xuống vì đất nước, anh Tiến càng thêm xúc động và tự hào về thế hệ cha anh đi trước.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân nhớ về cha và đồng đội

Điều mà tôi muốn gửi tới cha là ông hãy thanh thản, yên lòng vì tôi và các đồng đội vẫn đang vững chắc tay thuyền xây dựng và bảo vệ vùng biển Trường Sa”- Thiếu tá Xuân chia sẻ.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 7/2017. Những năm qua, khu tưởng niệm trở thành một địa chỉ đỏ, biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương.

Kỷ vật còn sót lại trong sự kiện Gạc Ma

Lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma 

Cách đây 35 năm, vào ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm xuống, anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma. Hình ảnh các chiến sỹ đứng thành vòng tròn hiên ngang bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma là bất tử, khẳng định bất khả xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông, mãi ghi dấu son trong sử sách, viết nên bản anh hùng ca vang vọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

MINH MINH

Tin mới