Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng cho biết đây không phải là "thời điểm thích hợp" để Ngoại trưởng Antony Blinken công du Trung Quốc sau khi ông hoãn chuyến đi ngày 5 - 6/2 vì sự cố khinh khí cầu, nhưng Tổng thống Joe Biden muốn điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thời điểm "thích hợp".
Theo ông Kirby, các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể liên lạc bất chấp căng thẳng về sự cố khinh khí cầu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. (Ảnh: Reuters)
"Có những căng thẳng giữa hai bên nhưng đường dây liên lạc giữa Ngoại trưởng Blinken vẫn mở với người đồng cấp Trung Quốc. Chúng tôi vẫn có đại sứ quán ở Bắc Kinh... và Bộ Ngoại giao cũng có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ", ông Kirby nói.
Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Thật không may, các tuyến liên lạc quân sự không được mở".
Trung Quốc đã cắt một số kênh liên lạc giữa quân đội nước này với Mỹ và các lĩnh vực đối thoại song phương khác sau chuyến thăm vào tháng 8 tới đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi. Chuyến đi khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng.
Tổng thống Joe Biden hôm 16/4 cho biết ông dự kiến sẽ nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự cố khinh khí cầu.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman nói Mỹ sẽ làm việc để duy trì các đường dây liên lạc với Trung Quốc mặc dù đã có những rạn nứt liên quan khinh khí cầu do thám.
Mỹ ở trong tình trạng báo động kể từ khi một khinh khí cầu khổng lồ từ Trung Quốc bị phát hiện bay qua loạt địa điểm nhạy cảm trên lãnh thổ Mỹ, trước khi bị bắn hạ vào ngày 4/2. Sau vụ việc, quân đội Mỹ đã điều chỉnh cài đặt radar để phát hiện các vật thể nhỏ hơn.
Washington coi vụ việc là một hành động khiêu khích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng đây là khí cầu dân dụng Trung Quốc trôi vào không phận Mỹ do sự cố bất khả kháng.