Phát biểu của ông Colin Kahl được đưa ra ngay sau khi Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký kết việc chuyển giao vũ khí đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) cho Ukraine. Ông Kahl nói rằng, quyết định này một phần bị ảnh hưởng bởi sự thất vọng với kết quả mờ nhạt của cuộc phản công mà Kiev đang thực hiện, đồng thời nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp “cấp bách của thời điểm hiện tại”.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Ukraine có đủ pháo binh để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh cuộc phản công hiện nay và cũng bởi vì mọi thứ đang diễn ra chậm hơn một chút so với mong đợi”, ông Colin Kahl cho hay.
Quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng phía Nga đang thực hiện phòng ngự khá thành công.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl. (Ảnh: AP)
Ông Kahl cho biết, bom chùm sẽ đóng vai trò là “cầu nối” cho đến khi Mỹ và các đồng minh có thể tăng cường sản xuất đạn pháo 155mm thông thường cho Ukraine.
Sau nhiều tháng trì hoãn, cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu vào ngày 4/6 với cuộc tấn công vào các vị trí của Nga gần Donetsk. Bị pháo binh Nga áp đảo và thiếu sự hỗ trợ từ trên không, các lữ đoàn Ukraine do NATO huấn luyện đã tiến qua các bãi mìn do Nga thiết lập và chịu thương vong nặng nề.
Bộ Quốc phòng Nga vào cuối tháng trước ước tính rằng Ukraine đã thiệt hại khoảng 13.000 quân và gần 250 xe tăng trong khoảng thời gian từ ngày 4-21/6.
Bất chấp những tổn thất lớn này, ông Kahl ngày 7/7 tuyên bố rằng lực lượng của Kiev vẫn đang “thăm dò các điểm yếu” trong mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Nga và rằng phần lớn sức mạnh chiến đấu của Ukraine “chưa được sử dụng hết”.
Theo nhiều báo cáo của phương tiện truyền thông Mỹ trong nhiều tuần qua, các quan chức Washington tỏ ra thất vọng vì tiến độ chậm trong cuộc phản công ở Ukraine. Trong khi đó, các quan chức Ukraine tuyên bố rằng cuộc phản công thực sự vẫn chưa bắt đầu và đỗ lỗi cho phương Tây không cung cấp đủ vũ khí để đảm bảo thành công.
Bom chùm là loại đoạn dược bị cấm ở hơn 120 quốc gia, trong đó có hầu hết các thành viên của NATO vì khi chúng phát nổ, đầu đạn được tung ra giải phóng nhiều quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn để tăng tính sát thương. Tuy nhiên, những phần tử chưa nổ sẽ tạo ra rủi ro nghiêm trọng và nguy hiểm lâu dài cho dân thường trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Mỹ không nằm trong số những nước tham gia ban hành lệnh cấm loại đạn dược này nhưng vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu nó với tỷ lệ hơn 1%. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Colin Kahl, các đợt viện trợ DPICM gửi tới Kiev sẽ có tỷ lệ thất bại lên tới 2,35%.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 7/7 cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đã từ bỏ lệnh cấm cung cấp đạn dược DPICM cho Ukraine dựa theo các khuyến nghị từ đội ngũ an ninh quốc gia của ông.