Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nêu rõ, Mỹ và đồng minh đã cung cấp nhiều loại vũ khí cho Ukraine sau hơn một năm xung đột, giờ đây họ sắp chuyển giao cho Kiev cả đạn pháo phân mảnh và bom chùm – những thứ vũ khí bị cấm.
"Đó là bước đi càng khiến xung đột leo thang”, ông Nebenzia nói trong một cuộc họp báo.
Trước đó, có thông tin cho rằng Mỹ có thể thông qua việc cung cấp bom chùm cho Ukraine ngay trong tuần này. Theo luật pháp Mỹ, Tổng thống Joe Biden phải ký giấy miễn trừ của tổng thống để cho phép xuất khẩu hoặc chuyển giao các loại vũ khí trong danh sách cấm và có thể ảnh hưởng đến thường dân trong nhiều thập kỷ sau xung đột.
Bom chùm PDU-5/B được triển khai trên máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 của không quân Mỹ. (Ảnh: không quân Mỹ)
Trong khi đó, một số tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Mỹ chấm dứt việc sử dụng bom chùm trong cuộc xung đột ở Ukraine và yêu cầu Washington từ chối lời kêu gọi của Kiev về việc cung cấp thêm các loại vũ khí bị cấm.
Theo các tổ chức này, mối nguy hiểm từ bom chùm không hề bị phóng đại – loại vũ khí này có thể bắn ra hàng trăm quả đạn con trên một khu vực có diện tích bằng hai sân bóng tiêu chuẩn. Việc sử dụng loại vũ khí này gần như là một tội ác chiến tranh cho dù phục vụ mục đích nào đi nữa.
Các chuyên gia ước tính rằng loại bom chùm mà Mỹ đang cân nhắc gửi tới Ukraine đã có tuổi đời 20 năm và tỷ lệ không nổ sau khi chạm đất rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc loại vũ khí này vẫn có thể tạo ra các nguy cơ ảnh hưởng đến dân thường sau nhiều năm.
Trước đó, vào tháng 2, Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov bên lề Hội nghị An ninh Munich đã yêu cầu các đồng minh cung cấp bom chùm, loại bom bị cấm ở nhiều quốc gia theo Công ước về Bom chùm (CCM). Còn Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với các phóng viên rằng Ukraine không phải là một bên ký kết công ước CCM và cho rằng việc chuyển giao loại vũ khí này cho Kiev vẫn có thể thực hiện được về mặt pháp lý.