Khả năng kỳ lạ của những "người nam châm"
Năm 2016, một cậu bé có tên Erman Delic, 5 tuổi trong một lần đang xem tivi, cậu bé bất ngờ phát hiện cơ thể mình có khả năng hút đồ vật bằng kim loại. Từ chiếc thìa, chiếc nĩa đến các đồng xu, chỉ cần để trên người Erman Delic thì sẽ bị dính chặt mà không hề bị rơi dù cậu bé có xoay người hay di chuyển.
Erman không phải là người đầu tiên được gọi là “người nam châm”. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người có khả năng hút các vật kim loại đã được đăng tải, chia sẻ đến từ các quốc gia khác nhau.
Bé trai Mehmet Sumbul 9 tuổi sống tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng được phát hiện có khả năng hút chặt những chiếc thìa và nĩa khi đặt chúng trên lưng và ngực của em. Mehmet còn cho biết em có thể hút cả tua-vít, gạt tàn kim loại và thậm chí là cả điện thoại di động và khi cậu bé tức giận thì lục hút càng trở nên mạnh hơn.
Xa hơn, vào năm 2014, ông Liew Thow Lin, 76 tuổi, đến từ Malaysia được mọi người đặt biệt danh “người nam châm” vì khả năng đặc biệt của mình. Ông có thể hút bất kỳ vật nào bằng sắt, kim loại thậm chí cả bàn ủi vào người và chúng cứ thế dính chặt trên da ông mà không hề rơi xuống. Không chỉ với sắt, thép, ông còn có thể hút được cả gỗ nữa.
Lý giải của khoa học
Benjamin Radford - tổng biên tập tạp chí Skeptical Inquirer, nói rằng các nhà khoa học thường kiểm tra cơ thể của những “người nam châm” để xem họ thực sự phát ra lực từ hay không. Kết quả cho thấy họ không phát ra lực từ.
Chẳng hạn, khi họ đeo một la bàn trên cổ, kim của nó không chỉ về phía họ. Nếu cơ thể người phát ra lực từ đủ mạnh để hút chiếc thìa thì đương nhiên lực hút phải tác động tới la bàn. Nhưng trên thực tế kim của la bàn chỉ về phía Bắc do tác động của cực từ bắc của địa cầu.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không hiểu tại sao những vật có bề mặt nhẵn – như thìa và đĩa – có thể dính chặt vào da một số người. Gabor Somorjai - một giáo sư hóa học và chuyên gia về các hiện tượng trên bề mặt vật thể của Đại học California tại Mỹ - giải thích rằng hiện tượng đồ vật dính trên da có bản chất đơn giản.
“Làn da của người được bao phủ bởi mỡ và dầu. Bạn có thể làm sạch chúng bằng xà phòng, song chỉ chưa tới một phút sau dầu sẽ lại xuất hiện. Mỡ trên da người có năng lượng bề mặt thấp do nó là chất lỏng. Liên kết giữa các nguyên tử của mỡ tương đối yếu”, ông nói.
Ngược lại, kim loại có năng lượng bề mặt lớn do liên kết giữa các nguyên tử kim loại rất mạnh và khó bị phá vỡ. “Những thứ có năng lượng bề mặt cao luôn sẵn sàng chuyển sang trạng thái năng lượng thấp hơn. Điều đó có thể xảy ra nếu chúng được bao phủ bởi vật chất có năng lượng bề mặt thấp”, ông giải thích.
Như vậy, những thứ bằng kim loại có xu hướng gắn kết mạnh với mỡ. Bề mặt của vật thể càng nhẵn và diện tích bề mặt càng lớn thì mức độ bám dính vào da càng cao và thời gian dính càng dài. Elmar Kroner, một chuyên gia về vật liệu, khẳng định, sự co giãn của da cũng tác động tới độ dính của nó và mồ hôi khiến khả năng co giãn của da giảm.
“Mồ hôi có một chức năng quan trọng. Khi lượng mồ hôi tăng, da trở nên mềm hơn và độ co giãn giảm khiến năng lượng bề mặt của da cũng giảm. Tình trạng đó khiến da trở nên dính hơn. Vì thế, mồ hôi càng nhiều thì độ dính của da càng tăng”, Kroner nói.
Một số nhà khoa học từng chứng minh rằng những “người nam châm” mất khả năng giữ đồ vật trên người khi họ xát bột tan lên da. Bột tan là khoáng vật mềm, mịn được dùng để làm sạch mỡ.
Tất cả lập luận từ phía khoa học trên cho thấy, những “người nam châm” không phát ra lực từ, mà chỉ là họ có làn da cực nhẵn và dính.