Hai khách hàng bị mất hơn 86 tỷ đồng trong tài khoản MSB
Bà N.T.L. bắt đầu gửi tiền vào ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) từ ngày 30/3/2021. Đến 26/9/2023, tổng cộng số tiền bà L. gửi ngân hàng là 58.650.000.000 đồng. Đến đầu tháng 10/2023, bà L. được cơ quan Công an TP Hà Nội mời lên làm việc và thông báo số tiền trong MSB không còn. Số dư tài khoản của bà L. đến ngày 23/10/2023 chỉ là 93.640 đồng.
Tương tự, bà V.T.K.O. gửi tổng cộng 31.700.000.000 đồng vào ngân hàng MSB. Sau một số lần giao dịch, số dư trong tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 còn 27.700.000.000 đồng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. đến ngân hàng MSB yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở tài khoản đến nay thì phát hiện trên tài khoản chỉ còn 46.328 đồng.
Cả bà L. và bà O. đều cho biết, sao kê tài khoản hiển thị rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do họ yêu cầu/thực hiện.
Tổng số tiền 2 khách hàng này mất là hơn 86 tỷ đồng. Đến hiện tại, họ vẫn chưa lấy lại được số tiền này.
Nhiều khách hàng tố bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng MSB. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Lên tiếng về vụ việc này, Ngân hàng MSB thông tin, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ công nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ. Hiện vụ việc đã được Công an Thành phố Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra.
Về phía cơ quan điều tra, thông tin tại cuộc họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 28/3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết ngày 10/10/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984, Giám đốc chi nhánh MSB Thanh xuân) có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạn của 8 bị hại, với số tiền 338 tỷ đồng.
VNDirect tê liệt 1 tuần, nhà đầu tư chứng khoán không thể giao dịch
Sau 6 ngày bị tấn công mạng (từ 10h ngày 24/3), Công ty chứng khoán top 3 thị phần trong nước - VNDirect mới tạm thời khắc phục xong sự cố. Công ty này cho biết đã thực hiện thông luồng giao dịch thành công trên môi trường giả lập vào 21h ngày 28/3/2024.
Hiện họ đang hoàn tất các thủ tục với cơ quan quản lý an toàn an ninh thông tin để có thể chính thức kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán trong ngày 29/3/2024. Đồng thời dự kiến trở lại hoạt động vào 1/4/2024.
Nếu đúng như tiến độ thì sang tuần sau, nhà đầu tư chứng khoán mới có thể giao dịch qua hệ thống VNDirect.
Trụ sở VNDirect. (Ảnh: CafeF)
Trước đó, chiều 27/3, Công ty chứng khoán VNDirect thông báo sẽ triển khai lộ trình mở lại hệ thống theo 4 giai đoạn cụ thể, gồm:
Giai đoạn 1: Hệ thống tra cứu được trạng thái và thông tin tài khoản của khách hàng trên My Account.
Giai đoạn 2: Mở lại hệ thống giao dịch tiền, giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh trên cơ sở thông sàn với Sở giao dịch.
Giai đoạn 3: Các sản phẩm tài chính khác đi vào hoạt động trở lại.
Giai đoạn 4: Toàn bộ các tính năng khác.
Người Việt chi 41.000 đồng mỗi lần uống cà phê
Theo báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS.vn nghiên cứu thường niên, với gần 3.000 nhà hàng/quán cà phê cùng khoảng 4.000 thực khách trên toàn quốc tham gia, tính đến hết năm 2023, về mức chi tiêu cho ăn uống, kết quả nghiên cứu gần 4.000 thực khách cho thấy mức chi tiêu ăn ngoài (nhà hàng, quán ăn…) tiếp tục tăng 5 - 10% so với năm 2022.
Trong đó, có tới 14,9% thực khách cho biết sẵn sàng chi riêng cho bữa tối hàng ngày trên 100.000 đồng, con số số này cao gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Với riêng việc đi uống cà phê, gần 60% thực khách được hỏi cho biết họ sẵn sàng chi trên 41.000 đồng cho mỗi lần, mức này tăng nhẹ so với 2022.
Người Việt sẵn sàng chi 41.000 đồng cho mỗi lần uống cà phê. (Ảnh: Công Hiếu)
Báo cáo cũng chỉ ra doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 tăng trưởng hơn 20,18%, đạt mốc 52.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, người Việt có tần suất đặt đồ ăn online ngày càng cao. Có gần 30% người cho biết họ đặt đồ ăn online ít nhất từ 1 - 2 lần/tuần, và có 20% số được hỏi đã gọi giao đồ ăn 3 - 4 lần/tuần. Tuy nhiên, số người không đặt đồ ăn online trong năm 2023 lại tăng 7,4% so với năm trước.
Nửa cuối năm 2023 chứng kiến sự siết chặt của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, bằng việc giảm chương trình khuyến mãi và tăng phí vận chuyển. Từ ảnh hưởng này, lượng đơn hàng và tần suất đặt hàng cùng giảm. Dù vậy, giá trị cho từng đơn hàng lại gia tăng. Đồng thời, xu hướng đặt hàng theo nhóm (cùng với đồng nghiệp, bạn bè) cũng gia tăng.
Điều này lý giải việc thực khách online đã dần quen với đơn hàng không khuyến mãi và không miễn phí vận chuyển.
Giá điện có thể được điều chỉnh 3 tháng/lần
Ngày 26/3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định này có hiệu lực từ 15/5/2024, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Thủ tướng duyệt quy định mới về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. (Ảnh minh họa)
Theo đó, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.
Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Cửa hàng xăng dầu gấp rút thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ từng lần
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng phải xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng đầu đến hết ngày 31/3/2024 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Từ chỉ đạo trên, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
31/3/2024 là thời hạn cuối cùng để các cửa hàng xăng dầu thực hiện quy định về hóa đơn bán lẻ từng lần. (Ảnh minh họa)
Đồng thời, lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Tuần vừa qua là tuần cuối để các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu chạy đua nước rút thực hiện chỉ đạo này.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 28/3, toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Còn khoảng trên cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 1,1%.
Đã có 59/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%, 40 địa phương hoàn thành 100% tiến độ, phấn đấu đến 31/3/2024 về cơ bản các cửa hàng xăng dầu trên cả nước sẽ thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.