Chuyên gia hô hấp Trung Quốc Zhong Nanshan, người được biết đến với việc phơi bày quy mô của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) năm 2003, cũng được biết đến là khuyến cáo súc miệng bằng nước muối để ngăn ngừa nhiễm coronavirus mới.
Lời khuyên này, theo SCMP, mặc dù phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong các nhóm trò chuyện, là không đúng. Nhà khoa học này chưa bao giờ đưa ra lời khuyên như vậy, và phương pháp sẽ không hiệu quả.
WHO cho biết chưa có bằng chứng súc miệng có thể bảo vệ con người khỏi coronavirus mới.
Khi coronavirus tiếp tục lan rộng khắp thế giới - nó đã lây nhiễm cho hơn 28.000 người đến nay, giết chết 565 người, trong khi 911 người đã hồi phục. Cùng với sự lan truyền của dịch bệnh, có nhiều biện pháp tại nhà được cho là có thể ngăn chặn dịch bệnh này.
Một người cô trong gia đình Chen tại Singapore, cho rằng coronavirus có thể được chữa khỏi bằng cách uống một bát nước tỏi mới đun sôi.
"Bác sĩ Trung Quốc lớn tuổi đã chứng minh được hiệu quả của nó", người cô viết. "Nhiều bệnh nhân cũng đã chứng minh điều này là có hiệu quả."
Có người khuyên nên ăn nhiều kim chi, súp gà, dùng thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) và các cây Ayurvedic (từ Ấn Độ). Thậm chí theo một nguồn tin Ấn Độ, việc bôi phân bò lên người có thể giúp chống lại virus.
WHO cũng cho biết không có bằng chứng ăn tỏi có thể bảo vệ người dân khỏi coronavirus.
Những biện pháp được lan truyền xuyên biên giới. Mẹ của một quản lý bán hàng, Justin Chu nói anh nên uống súp đậu xanh để ngăn chặn virus - lời khuyên đến từ người thân ở Hong Kong, và tiếp tục đến với những người thân khác ở Canada.
Đôi khi những biện pháp được khuyến nghị bởi những người có thẩm quyền. Thời báo New York đưa tin, tại Myanmar, loa phóng thanh đã phát đi lời khuyên từ các nhà sư Phật giáo về việc đặt bảy hạt tiêu xay trên lưỡi để xua đuổi virus.
Tại Indonesia, một quan chức cho rằng thư giãn và làm việc ít hơn có thể ngăn ngừa căn bệnh này, trong khi một quan chức ở Myanmar chia sẻ trên Facebook bài đăng về việc dùng hành tây để ngăn chặn việc lây truyền coronavirus.
Ở Philippines, một nhà khoa học đề xuất nghiên cứu dầu dừa như một phương pháp điều trị khả thi cho căn bệnh.
Nhiều phương pháp trong số này đã bị phủ nhận. AFP Fact Check xác nhận với bệnh viện liên kết của Đại học Y Quảng Châu, nơi có đội ngũ y tế của ông Zhong, rằng tuyên bố súc miệng nước muối là không có cơ sở y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể ngăn ngừa nhiễm virus corona.
WHO đã bác bỏ một số biện pháp khắc phục tại nhà này trên tài khoản Twitter của họ với hashtag #KnowTheFacts. "Dầu vừng rất ngon nhưng nó không giết chết 2019-nCoV" - một bài đăng hôm Chủ nhật (2/2) viết.
"Tỏi là một loại thực phẩm lành mạnh có thể có một số đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào từ vụ dịch hiện tại cho thấy việc ăn tỏi bảo vệ mọi người khỏi 2019-nCoV", một bài khác được đăng cùng ngày nói.
Dầu vừng không không có mấy tác dụng với virus khi bôi lên da hoặc dưới mũi, thậm chí có thể nguy hiểm.
Bác sĩ Tan Tze Lee từ Phòng khám Edinburgh ở Singapore cho biết không có bằng chứng nào về các phương pháp phòng ngừa lưu hành trên phương tiện truyền thông xã hội sẽ có hiệu quả, "nhưng nếu bạn cảm thấy nó tốt cho bạn, thì như vậy cũng ổn." Tan cho biết, điều quan trọng nhất là phải giữ vệ sinh tốt: "Tất cả là rửa tay, đảm bảo chúng sạch, và không chạm vào mặt".
Các cơ quan y tế trên toàn thế giới thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của vệ sinh vì virus có khả năng lây lan qua các giọt nước. Họ khuyên mọi người nên rửa tay thường xuyên; duy trì khoảng cách một mét từ những người khác; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; và sử dụng khẩu trang, một cách hợp lý, chỉ khi có các triệu chứng về đường hô hấp.
Để tăng cường hệ miễn dịch, Tan khuyên: "Tôi luôn tin rằng nếu bạn ngủ ngon, giữ cho mình khỏe mạnh, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên - tất cả những điều này có thể làm rất nhiều để tăng cường khả năng miễn dịch của bạn".