Tại BigC Thăng Long, sáng 6/2, dưa hấu được bán với giá 6.200 đồng/kg, thanh long ruột đỏ, ruột trắng của Phan Thiết được bán với giá 15.500 đồng/kg (miền Bắc) và 14.900 đồng/kg (miền Nam).
BigC thực hiện chương trình "Chung tay hỗ trợ nông dân".
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc điều hành siêu thị BigC các tỉnh miền Bắc cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi nhập khoảng 40 tấn thanh long và 40 tấn dưa hấu cho toàn bộ hệ thống siêu thị và Go market, thành viên của Central Retail. Số lượng này còn có thể tăng thêm, tùy vào sức mua của người dân như thế nào. Chúng tôi xác định BigC có thể lỗ, nhưng vì muốn hỗ trợ người nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh corona, siêu thị không tính bất cứ chi phí nào”.
Với ý nghĩa góp phần giải quyết nông sản cho nông dân do ảnh hưởng của dịch viêm phổi corona và thời tiết khắc nghiệt, chương trình nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân.
Chị Hà ở Đội Cấn, Hà Nội nói: “Được biết nhiều nơi đang thực hiện việc giải cứu nông sản cho người nông dân, tôi rất ủng hộ. Hôm nay, nhiều siêu thị cũng bắt đầu vào cuộc bán hàng không lợi nhuận, tôi quyết định đến mua thanh long và dưa hấu, góp phần nhỏ chia sẻ khó khăn với người trồng”.
Người dân ủng hộ "giải cứu" thanh long, dưa hấu tại các siêu thị.
Không chỉ chị Hà, đây là tâm lý chung của nhiều khách hàng khác. Mặc dù thanh long và dưa hấu là loại quả khó bảo quản nhưng người dân vẫn cố gắng mua ủng hộ với số lượng nhiều nhất.
Đây không phải lần đầu các siêu thị tham gia hỗ trợ giải quyết nông sản. Trước kia, các chương trình như giải cứu dưa hấu Quảng Ngãi, củ cải Hải Dương cũng đã được thực hiện. Ngoài ra là các chương trình thu gom nông sản trực tiếp từ các hợp tác xã; tổ chức các tuần hàng; cung cấp vốn, giống cho người nông dân và bao tiêu sản phẩm...
Theo ý kiến của giới chuyên gia, đây là một trong những hướng đi hiệu quả của nông sản trong nước, đặc biệt trong giai đoạn ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch corona những ngày qua. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, lượng tiêu thụ ở trong siêu thị chỉ giải quyết được một phần nhỏ, nguồn tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng này vẫn là ở các chợ truyền thống, thậm chí là cả các sạp hàng nhỏ lẻ, người bán hàng rong.
“Để giải quyết thanh long và dưa hấu cho nông dân thì ngoài các biện pháp áp dụng tại thị trường trong nước, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có biện pháp giúp việc thông thương hai chiều tại các cửa khẩu sớm diễn ra an toàn, hiệu quả. Đồng thời tăng năng suất của các nhà máy chế biến, về lâu dài là nâng cao chất lượng, thương hiệu để nông sản có thể đi vào nhiều thị trường khác. Bên cạnh đó, nông nghiệp là một ngành nhiều rủi ro nên việc thông thương luôn phải có dự phòng như xây dựng các nhà kho, kho lạnh tại cửa khẩu, địa phương để hỗ trợ người dân gửi nông sản. Nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện phương pháp này để giảm thiệt hại cho nông dân khi hàng hóa bị ùn ứ”, ông Phú nói.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương liên tục có văn bản cập nhật tình hình, đưa ra cảnh báo. Đồng thời yêu cầu các thương vụ nước ngoài tổ chức tìm kiếm, kết nối chuyển hướng hoạt động thương mại xuất khẩu mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường khác; Đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.