Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ dự lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Hình thành tuyến đường cao tốc xuyên Việt
Đây là 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công theo Nghị quyết 117/2020 của Quốc hội. Như vậy, cùng với 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công (dự kiến hoàn thành trong năm 2021), hình hài trục cao tốc Bắc - Nam xuyên Việt đã dần được hình thành.
Cụ thể, dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Điểm đầu tư dự án nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1 đi Mỹ Thạnh (cách QL1 khoảng 2,6 km, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận), điểm cuối dự án kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tổng mức đầu tư khoảng 12.477,5 tỉ đồng do Ban QLDA Thăng Long đảm nhiệm quản lý dự án.
Dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, điểm đầu tại Km134+000 (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), điểm cuối tại Km 235+000, giao với QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500 (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) có tổng mức đầu tư khoảng 10.853,9 tỉ đồng do Ban QLDA 7 thực hiện. Dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 dài khoảng 53,5 km, đi qua 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỉ đồng do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.
Ngày 21/1/2010, Thủ tướng ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỉ đồng. Tuyến đường cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến, quy mô 4-8 làn xe với lộ trình xây dựng đến năm 2030. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo Nghị quyết 52/2017/QH14, với quy mô và tầm quan trọng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện dự án. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng (bao gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước; 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tiến độ nhanh kỷ lục
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết kể từ thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án từ PPP sang đầu tư công, để khởi công các dự án này trong những tháng cuối cùng của năm 2020, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục để khởi công những gói thầu đầu tiên trong thời gian ngắn kỷ lục là 3 tháng. "Bộ GTVT đã tập trung thời gian, kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ để khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan. Đến nay, cả 3 dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật, đáp ứng đúng yêu cầu của Thủ tướng" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ với báo chí trước ngày khởi công 3 dự án.
Theo Bộ GTVT, điểm chung của phần lớn các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650 km là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nói cách khác, các tỉnh miền Trung sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường cao tốc huyết mạch này.
Việc triển khai khởi công xây dựng 3 dự án trên đã hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Kiểm soát chặt chất lượng công trình
Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cho biết trong hồ sơ mời thầu của 3 dự án, đã quy định số lượng tối đa trong liên danh nhà thầu không quá 3 thành viên. Nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất trong liên danh và từng thành viên tham gia trong liên danh phải thực hiện khối lượng công việc không thấp hơn 25% giá trị gói thầu. Đối với nhà thầu phụ xây lắp, tỉ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu.
"Việc đưa ra quy định như vậy để khống chế khối lượng được giao cũng như phạm vi công việc của nhà thầu phụ, từ đó kiểm soát được số lượng nhà thầu phụ tham gia vào các gói thầu", ông Lâm nói.