Từ đỉnh núi Hochfeiler cao 3.500 m ở Nam Tyrol, Italy, nhiếp ảnh gia Martin Rietze ghi lại khoảnh khắc hiếm gặp khi sao chổi NEOWISE xuất hiện trên bầu trời với nền là những đám mây dạ quang hôm 8/7.
Mây dạ quang hình thành khi các phân tử nước tập trung quanh hạt bụi tí hon và đóng băng, tạo nên các tinh thể băng. Những đám mây này phản chiếu ánh Mặt Trời và tỏa ra ánh sáng, thường có màu xanh lam và trắng.
Sao chổi NEOWISE nhìn từ đỉnh núi Hochfeiler hôm 8/7. (Ảnh: Martin Rietze)
Sao chổi NEOWISE hay C/2020 F3 được kính viễn vọng không gian NEOWISE của NASA phát hiện hồi tháng 3. Từ ngày 7/7, người yêu thiên văn có thể quan sát sao chổi này trên bầu trời bằng ống nhòm, thậm chí một số nơi còn thấy được bằng mắt thường.
Đến giữa tháng 7, sao chổi NEOWISE sẽ xuất hiện ở khoảng 10 độ phía trên đường chân trời đông bắc trong vòng một tiếng trước bình minh. Từ giữa tháng 7 trở đi, người yêu thiên văn có thể quan sát nó tốt nhất vào buổi tối ở phía trên đường chân trời tây bắc.
NASA cho biết, NEOWISE sẽ bay qua gần Trái Đất nhất vào ngày 22/7 với khoảng cách 103 triệu km. Sao chổi này mất khoảng 6.800 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo dài. Vì vậy, trong vài nghìn năm tới, nó sẽ không ghé thăm vùng không gian phía trong của hệ Mặt Trời lần thứ hai.