Mùa thu là thời điểm khoai lang có độ ngọt cao nhất và nhiều chất dinh dưỡng. Xét theo màu sắc, khoai lang có khá nhiều loại gồm ruột trắng, ruột vàng, ruột cam, tím... Vậy khoai lang ruột vàng, trắng hay cam bổ dưỡng hơn? Thật ra mỗi loại đều có ưu điểm riêng và tùy từng tình huống, nhu cầu ở từng thời điểm mà bạn ưu tiên sử dụng.
Khoai lang ruột vàng, trắng hay cam ngon và bổ dưỡng hơn? (Ảnh: Sohu)
Loại khoai này còn được gọi là khoai lang mật. Đúng như tên gọi của nó, khoai lang ruột cam có độ ngọt cao, hàm lượng đường có thể lên tới hơn 20%. Sau khi chế biến, khoai dẻo mềm, có vị ngọt sắc nên được nhiều người ưa thích.
Sở dĩ khoai lang ruột cam có vị ngọt đậm là vì khi củ lớn dần lên, tinh bột dần chuyển hóa thành đường. Quá trình biến đổi này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm của đất... Vì vậy, điều kiện đất đai và khí hậu để trồng khoai lang ruột cam là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Môi trường thích hợp có thể giúp cho khoai lang ngọt hơn, điều này lý giải vì sao không phải vùng nào cũng trồng được loại củ này.
Khoai lang ruột cam có độ ngọt cao. (Ảnh: Sohu)
Do có độ ngọt cao nên khoai lang ruột cam rất lý tưởng để nướng và hấp. Nhiều người thích chọn cách nướng bên ngoài hơi cháy, bên trong mềm, dẻo, khi tách ra ăn có thể thấy lớp mật chảy ra ngọt ngào. Bạn cũng có thể hấp khoai lang ruột cam và nguyền nhuyễn để làm các món tráng miệng.
So với khoai lang ruột cam, khoai lang ruột vàng có kết cấu đặc hơn, hàm lượng đường thấp hơn một chút nhưng hàm lượng tinh bột lại cao hơn. Khoai khá ngọt và giúp tăng cảm giác no bụng rất hiệu quả.
Hàm lượng tinh bột trong khoai lang ruột vàng thường chiếm khoảng 25%, cao hơn một chút so với khoai lang mật. Điều này giúp nó giữ được hình dạng tốt hơn trong khi nấu và ít bị chảy nhão. Vì vậy, khoai lang ruột vàng còn được dùng để làm bột khoai lang, khoai lang sấy khô và các thực phẩm chế biến khác.
Khoai lang ruột vàng chứa nhiều chất xơ. (Ảnh: Sohu)
Khoai lang ruột vàng rất giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón. Đối với những người cần kiểm soát lượng đường và lipid trong máu, khoai lang ruột vàng cũng là lựa chọn tốt vì vừa cung cấp năng lượng vừa tăng cảm giác no, từ đó giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể.
Khoai lang ruột vàng có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng, hấp, xào, hầm súp, làm bánh, nấu cháo..., món nào cũng rất hấp dẫn.
Khoai lang ruột trắng khi cắt ra có màu sắc tương đối đơn điệu nhưng hương vị lại độc đáo. Hàm lượng tinh bột trong khoai lang ruột trắng rất cao, có thể lên tới hơn 30%. Đây là “vua tinh bột” trong các loại khoai lang. Do hàm lượng tinh bột cao nên khoai lang trắng có độ ngọt và độ khô tương đối thấp, thích hợp cho những người theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh.
Khoai lang trắng chứa tinh bột cao. (Ảnh: Sohu)
Hàm lượng tinh bột cao trong khoai lang ruột trắng khiến chúng mất nhiều thời gian để nấu chín hơn. Do tinh bột chưa chuyển hóa nhiều thành đường nên vị ngọt của khoai lang trắng không bằng khoai lang cam, khoai lang vàng. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khoai lang trắng trở thành lựa chọn hàng đầu đối với những người cần kiểm soát lượng calo nạp vào trong quá trình giảm cân.
Do hàm lượng tinh bột cao nên khoai lang trắng rất thích hợp để chế biến thành nhiều sản phẩm như bún khoai lang, miến khoai lang... Những sản phẩm này không chỉ có hương vị đậm đà mà còn giàu chất dinh dưỡng, là món ăn được nhiều người cần giảm cân lựa chọn.
Khoai lang trắng có hàm lượng tinh bột cao nên việc nấu chín sẽ mất nhiều thời gian hơn. Thông thường, để luộc khoai lang trắng, sau khi nước sôi, bạn cần vặn lửa nhỏ và đun trong 20-30 phút.
Khoai lang là thực phẩm cung cấp loại tinh bột tốt, thích hợp cho các chế độ ăn lành mạnh.
- Quan sát bên ngoài: Khoai lang chất lượng cao có vỏ mịn, màu sắc đồng đều, không có đốm, rỗ mắt hay hư hại. Về hình dáng, khoai lang tròn và đầy đặn sẽ ít xơ và ngọt hơn.
- Cảm nhận bằng tay: Ấn nhẹ vào củ khoai lang, nếu thấy thịt chắc và đàn hồi nghĩa là khoai còn tươi và đủ độ ẩm. Nếu thấy thịt mềm thì có thể đó là khoai lang già đã được bảo quản quá lâu, mùi vị kém.
- Ngửi khoai: Khoai lang tươi sẽ tỏa ra mùi ngọt tự nhiên. Nếu ngửi thấy mùi mốc hoặc mùi lạ nghĩa là khoai lang đã bị hỏng, không nên mua.
- Trọng lượng: Đối với những củ khoai lang cùng kích cỡ, củ nặng hơn thường có nhiều nước hơn và vị ngon hơn. Vì vậy, khi chọn, bạn có thể nhặt lên hai củ khoai lang cùng kích cỡ để so sánh trọng lượng và chọn củ nặng hơn.
Việc bảo quản khoai lang cần chú ý đến nhiệt độ và độ ẩm. Khoai lang thích hợp bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ được kiểm soát tối ưu trong khoảng 10-15°C. Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể cho khoai lang vào thùng carton hoặc túi nylon, nhưng nhớ chừa vài lỗ thông gió để khoai không bị mốc do độ ẩm quá cao.