Ngày 25/7, thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho rằng tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ hiện nay ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế như là mệnh lệnh sống còn.
“Theo số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02%. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đến tiến độ hoàn thành các dự án mà còn tăng áp lực nợ công lên nhà nước”, bà Phương nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương. (Ảnh: Quochoi)
Tin tưởng Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công song đại biểu Phương đề nghị Chính phủ phải quyết liệt triển khai ngay từ đầu của nhiệm kỳ, đồng thời quy trách nhiệm và có chế tài xử lý người đứng đầu nếu vẫn trì trệ giải ngân vốn đầu tư công.
“Tôi đề nghị Chính phủ quyết liệt triển khai Nghị quyết này nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, quy rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, có chế tài xử lý nghiêm minh, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các dự án, đặc biệt với những dự án vốn đầu tư lớn có sức lan tỏa cao”, đại biểu Phương đề nghị.
Vẫn theo bà Phương, nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, nên dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt mức cao kỷ lục trên 98%.
Chính phủ mới đây cũng vừa ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trong đó yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, rà soát phân bổ kế hoạch vốn cho phù hợp, có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, manh mún. Chính phủ cũng yêu cầu tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thúc đẩy thi công, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ ngành và địa phương để kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Trường hợp không hoàn thành tiến độ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân tùy vào mức độ, kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thực hiện đấu thầu qua mạng…