Nhu cầu sách giáo khoa vào đầu năm học mới đang rất cấp thiết tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nơi người dân không thể tự mua, bán. Các địa phương đang huy động tối đa lực lượng giao hàng và tạo điều kiện lưu thông để chuyển phát sách đến tay học sinh.
Công an phường hỗ trợ trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) giao sách giáo khoa. (Ảnh: Zing)
Đặt mục tiêu giao sách giáo khoa đến tay học sinh trước 8/9, UBND TP.HCM đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị phát hành sách, Bưu điện TP.HCM, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (chi nhánh TP.HCM - Viettel Post) và các quận, huyện thống nhất địa điểm tập kết sách giáo khoa theo địa bàn khu phố, ấp.
Công an thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ tạo điều kiện lưu thông cho các lực lượng được huy động thực hiện nhiệm vụ phân phối sách giáo khoa đến phụ huynh, học sinh trong 3 ngày cao điểm, từ ngày 5/9 đến ngày 7/9.
TP.HCM đã huy động hơn 1.200 nhân viên giao hàng bằng phương tiện cá nhân, hơn 300 xe ôtô tải của Bưu điện TP.HCM và Viettel Post để phục vụ việc vận chuyển sách giáo khoa đến các điểm tập kết và giao đến tận nhà học sinh.
Các phương tiện vận chuyển sách giáo khoa đến trường học, các điểm tập kết theo khu phố, ấp tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Nhân viên thuộc 2 đơn vị Bưu điện thành phố và Viettel Post được phép ưu tiên lưu thông trên địa bàn 24/24.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu mỗi trường học huy động ít nhất 5 giáo viên hỗ trợ việc phân phối sách giáo khoa. Danh sách giáo viên này sẽ được phòng GD&ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổng hợp, đóng dấu chịu trách nhiệm và gửi về Công an thành phố để phối hợp thực hiện.
Với học sinh khó khăn, nhà trường cho mượn hoặc vận động mạnh thường quân hỗ trợ, không để em nào thiếu sách với lý do kinh tế. Nếu phụ huynh có nhu cầu mua thiết bị cho con học trực tuyến (điện thoại, máy tính bảng, máy tính), nhà trường cũng phối hợp với đơn vị cung ứng để hỗ trợ tương tự sách giáo khoa.
Giáo viên ở Bình Dương trở thành shipper, chuyển sách giáo khoa đến nhà học sinh. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết sở và các địa phương đã lên phương án đảm bảo sách giáo khoa giấy sẽ được giao đến tay học sinh trước khi năm học mới bắt đầu (ngày 15/9).
Hiện các cửa hàng sách, nhà trường đang ưu tiên giao sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 vì năm nay các lớp này dùng sách giáo khoa mới. Đa số các trường đã giao xong sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 (trừ thị xã Tân Uyên), đang chuyển sách cho các khối lớp còn lại.
“Hiện sách giáo khoa đã về tới các trường. Một số nơi được trưng dựng làm khu cách ly sách phải gửi tạm ở cơ sở khác. Các cửa hàng, nhà phát hành có thẻ xanh lưu thông, có thể giao sách cho học sinh. Chỉ có địa bàn huyện Tân Uyên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, đang bị phong tỏa rất nghiêm ngặt nên việc giao sách bị chậm lại. Học sinh có thể phải học sách điện tử. Các địa bàn khác đều đảm bảo 100% sách giáo khoa tới tay học trò trước ngày khai giảng”, ông Phong cho biết.
Những ngày này, giáo viên các trường trở thành shipper, vận chuyển sách từ kho nhà trường, giao đến nhà học sinh để đẩy nhanh tiến độ.
Từ 6/9, bưu điện tỉnh Đồng Nai triển khai phát sách giáo khoa đến tận nhà học sinh. (Ảnh: Vietnampost)
Để đảm bảo sách giáo khoa đến tay học sinh trong điều kiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã phối hợp với bưu điện tỉnh trong khâu vận chuyển. Bắt đầu từ ngày 6/9, bưu điện tỉnh tổ chức dịch vụ phát sách giáo khoa, đồ dùng học tập tận nhà cho học sinh nhằm đảm bảo các cấp có đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng, trang thiết bị học tập cần thiết phục vụ học sinh học online trong thời gian giãn cách.
Phụ huynh sẽ đăng ký nhận sách, đồ dùng học tập theo đường link mà các trường gửi. Căn cứ danh sách của các trường gửi, nhân viên sẽ lấy sách từ kho, các điểm lưu giữ sách của trường để chuyển phát đến nhà học sinh. Mức phí chuyển phát tận nhà tối thiểu là 20.000 đồng/địa chỉ, có thể tăng thêm tùy theo trọng lượng sách và đồ dùng.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc cung ứng sách giáo khoa gặp khó khăn. NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành đã có văn bản đề nghị tạo điều kiện phát hành SGK nhưng đây chưa chính thức công nhận là mặt hàng thiết yếu. NXB Giáo dục Việt Nam trao đổi với cơ quan quản lý tại một số tỉnh, sớm mang lại sách cho học sinh.
“Sau chỉ thị của Thủ tướng trước năm học mới, trong đó có việc chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa cho học sinh, tôi tin việc vận chuyển sách giáo khoa đến các học sinh sắp tới sẽ có nhiều thuận lợi hơn", ông Tùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tùng lưu ý, do tình hình vận chuyển khó khăn, nhiều học sinh chưa tiếp cận sách giáo khoa bản giấy. Nắm được yêu cầu đó, nhà xuất bản đã đưa sách giáo khoa lớp 1-12 bản mềm lên trang hanhtrangso. Với trang này, học sinh, giáo viên có thể sử dụng miễn phí phiên bản diện tử của sách giáo khoa, nhà xuất bản còn cung cấp cả phiên bản điện tử của sách bài tập để giáo viên tham khảo xây dựng giáo án.
Hiện nhiều website, mạng xã hội đưa đường link của các phiên bản điện tử sách giáo khoa, trong đó có cả những văn bản in thử, không được kiểm soát nội dung.
“Phụ huynh, học sinh nên thận trọng khi sử dụng những bản này vì sách giáo khoa còn liên quan đến kiến thức lãnh thổ, bản đồ, nếu không chính xác thì hậu quả sẽ nghiêm trọng... Việc đăng tải chưa có sự cho phép của nhà xuất bản là vi phạm bản quyền”, ông Tùng cho biết thêm.