"Để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, tôi đã ra lệnh lắp đặt hệ thống kiểm soát và phòng không mới mua tại vùng đông bắc. Với sự trợ giúp của hệ thống này, chúng tôi có thể cải thiện độ chính xác trong vùng kiểm soát không phận và giảm thời gian phản ứng", Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky thông tin.
Ông Kristof Szalay-Bobrovniczky cho biết thêm biện pháp này đưa ra sau khi Ukraine được phép sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, Budapest "vẫn tin rằng hòa bình sẽ đạt được thông qua ngoại giao, không phải bằng vũ lực".
Hungary quyết định triển khai hệ thống phòng không gần biên giới với Ukraine sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng triệu tập hội đồng quốc phòng của nước này để thảo luận về bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga sau khi một số quốc gia phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Hôm 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cập nhật học thuyết hạt nhân. Theo đó, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các tình huống, bao gồm trả đũa việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga; cuộc tấn công nhằm vào Nga hoặc Belarus bằng cách sử dụng vũ khí thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền; tên lửa đạn đạo đã được phóng để tấn công Nga hoặc đồng minh của Nga; sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại cơ sở và quân nhân Nga nằm ngoài lãnh thổ Nga.
Trước đó, tờ New York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hành động đảo ngược chính sách đáng kể của Washington trong cuộc xung đột Ukraine - Nga.
Các nguồn tin cho biết Ukraine có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công sâu đầu tiên trong những ngày tới bằng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km, nhưng không tiết lộ chi tiết vì lo ngại về an ninh hoạt động.