Ngày 20/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Phòng không Moskva bắn hạ 5 quả đạn và làm hư hại tên lửa còn lại, mảnh vỡ của nó rơi xuống và gây ra hỏa hoạn tại cơ sở, song đám cháy đã được dập tắt nhanh chóng.
Bình luận về vụ tấn công, chuyên gia quân sự người Nga Alexander Mikhailov nhận định: "Các cố vấn quân sự Mỹ mới là người đứng sau việc triển khai tên lửa ATACMS của Ukraine, bởi việc điều khiển bay loại tên lửa này là một quá trình phức tạp".
Các chuyên gia quân sự đều nhận định Ukraine không thể tự vận hành tên lửa ATACMS và cần đến các cố vấn quân sự Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)
Ông Mikhailov phân tích, tên lửa ATACMS sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh quân đội Mỹ. Binh sĩ Ukraine không thể tiếp cận dữ liệu này. Mặt khác việc xác định mục tiêu và tọa độ cũng đến từ lực lượng tình báo của Mỹ và việc thiết lập tên lửa cũng cần đến cố vấn quân sự nước ngoài.
"Ukraine không thể phóng tên lửa ATACMS nếu không có các cố vấn Mỹ", ông Mikhailov nói. Đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ không chuyển giao thuật toán, mã và cơ chế nhập tọa độ của ATACMS cho quân đội Ukraine.
Nhận định của ông Mikhailov cũng được các cựu sĩ quan tình báo Mỹ Scott Ritter đồng tình. Theo ông Ritter, tên lửa ATACMS không thể được vận hành bởi bất kỳ ai ngoài binh sĩ Mỹ.
Ông Ritter cho biết, dữ liệu mục tiêu được xác định và phân tích bởi các trung tâm tình báo của Lầu Năm Góc ở châu Âu. Thông tin này sẽ được chuyển đến một trạm liên kết của Mỹ ở Ukraine thông qua hệ thống mã hóa riêng và được các cố vấn quân sự nạp vào tên lửa.
"Có thể thấy việc lên kế hoạch tấn công, nạp dữ liệu vào tên lửa và bấm nút đều có bàn tay của các cố vấn Mỹ. Nói cách khác "quân đội Mỹ" đang đứng sau cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga", ông Ritter nhận định.
Đây là lần đầu tiên Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp kể từ đầu xung đột. Kiev trước đó chỉ sử dụng máy bay không người lái (UAV) nội địa cho nhiệm vụ này.
Động thái diễn ra ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tập kích sâu vào lãnh thổ đối phương. Nhà Trắng chưa xác nhận thông tin này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/11 khẳng định vụ phóng tên lửa ATACMS của Ukraine là dấu hiệu cho thấy phương Tây muốn leo thang căng thẳng.
"Chúng tôi sẽ coi đây là giai đoạn mới về tính chất của cuộc chiến do phương Tây tiến hành nhằm vào Nga", ông Lavrov nói, đồng thời cáo buộc Mỹ và đồng minh hỗ trợ Ukraine vận hành tên lửa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra bình luận, song ông từng tuyên bố việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa của phương Tây để tập kích lãnh thổ Nga sẽ đẩy NATO vào cuộc chiến trực tiếp với Moskva.
Tên lửa đạn đạo ATACMS được Mỹ phát triển từ những năm 1980 và biên chế vào năm 1991, có thể khai hỏa từ pháo phản lực HIMARS hoặc M270. Mỹ được cho là đã chuyển giao cho Ukraine khoảng 50 tên lửa ATACMS, gồm hai biến thể có tầm bắn lần lượt là 165 km và 300 km.