16 trong 98 huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 đến từ các nội dung điền kinh. Không môn nào khác góp sức vào vinh quang tại kỳ đại hội Đông Nam Á trên đất Philippines nhiều hơn môn thể thao nữ hoàng.
Song một trong các dấu ấn đáng nhớ của điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung tại SEA Games 30 lại tới từ một tấm huy chương đồng.
Ngày 6/12/2019, điền kinh Việt Nam xuất quân tại SEA Games 30 với Nguyễn Thị Hồng Lệ tham dự nội dung marathon (42,195 km). Nhiều điềm báo chẳng lành xuất hiện ở nội dung này khi ban tổ chức nước chủ nhà chỉ công bố cung đường chạy trước khi thi đấu đúng một ngày.
Hồng Lệ bật khóc khi giành huy chương đồng SEA Games 31 ở cự ly marathon.
Ngay cả ở những giải marathon phong trào, việc công bố cung đường chạy luôn diễn ra sớm, thậm chí nhiều tháng chứ không theo đơn vị ngày. Điều này giúp các VĐV tham dự khảo sát cung đường và chuẩn bị chiến thuật phù hợp.
Việc giấu kín cung đường của nước chủ nhà Philippines phát huy hiệu quả tối đa khi nhiều VĐV (trong đó có Hồng Lệ) gặp vô vàn khó khăn trên đường chạy bởi nhiệt độ cao cùng đoạn đường dốc và khó nhớ. VĐV của Indonesia, Naibaho Elvina, đang dẫn đầu và chỉ còn cách đích 1 km bỗng lạc đường và mất trắng huy chương. Hai VĐV của chủ nhà Philippines băng băng về đích mà không gặp phải cản trở nào.
Hồng Lệ gặp khó khăn về đường đua nhưng cũng về đích thứ ba, giành huy chương đồng. Ngay sau khi về đích, VĐV sinh năm 1998 đổ gục vì kiệt sức, phải truyền nước và nhận hỗ trợ y tế. Lệ thậm chí không thể tự mặc quần để bước lên bục nhận huy chương và bật khóc.
Hình ảnh nức nở của Lệ trở thành biểu tượng cho sự kiên cường của điền kinh Việt Nam. Nếu nhìn lại toàn bộ sự nghiệp và hành trình vươn lên của Hồng Lệ, những giọt nước mắt trên đất Philippines có thể được giải nghĩa.
Giấc mơ ban đầu của Hồng Lệ không phải điền kinh. Cô gái quê Bình Định đam mê võ và xin bố mẹ cho đi học. Song vì nhà nghèo, Lệ chỉ có thể học một tháng trước khi xin nghỉ. Là con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em, Lệ hiểu mình không thể đòi hỏi.
Lúc này, Lệ bén duyên với điền kinh, môn thể thao chỉ cần đôi giày là có thể luyện tập. Những nỗ lực rèn luyện sau đó của Lệ cho quả ngọt. Cô lọt vào tuyển điền kinh của tỉnh sau khi vô địch giải việt dã 2.000 m liên tiếp trong hai năm.
Sau 4 năm thi đấu ở đội tỉnh, Lệ trở thành VĐV tuyển quốc gia. Năm 2017, ở tuổi 19, Lệ đã có mặt tại SEA Games 29 trên đất Malaysia và giành huy chương đồng ở cự ly 10.000 m.
Khả năng vượt qua thử thách là điểm mạnh nhất của những VĐV điền kinh nói chung và Hồng Lệ nói riêng. Cuối năm 2016, Lệ lên bàn mổ ruột thừa và nghỉ thi đấu 3 tháng. Nhưng ngay khi biết giải VĐQG chuẩn bị khởi tranh, cô xin thầy tham dự dù tăng cân và mới bình phục. Dẫu vậy, Lệ vẫn giành huy chương đồng ở cự ly 5.000 m.
Lớn lên ở dải đất miền Trung, thể trạng của Hồng Lệ được đánh giá phù hợp để thi đấu các nội dung đường dài. Đây không phải cự ly thế mạnh của điền kinh Việt Nam khi Philippines, Indonesia đều có những VĐV cực mạnh ở nội dung này.
Song với những gì làm được tại SEA Games 30, Hồng Lệ cho thấy nếu không bị nước chủ nhà chơi xấu, cô hoàn toàn có thể tạo bất ngờ ở cự ly khắc nghiệt này.
Hồng Lệ đạt thành cực tốt ở cự ly 10.000 m và có cơ hội lớn để đổi màu huy chương tại SEA Games 31. Ảnh: Minh Chiến.
Tuy nhiên, chia sẻ với Zing, Hồng Lệ cho biết bản thân sẽ không tham dự nội dung marathon tại SEA Games 31. "Tôi không tham dự nội dung marathon để tập trung cho cự ly 10.000 mét. Lịch thi đấu nội dung 10.000 m là chiều 18/5 trong khi sáng 19/5 là nội dung marathon nên tôi không thể tham gia", Hồng Lệ tiết lộ.
Cô gái sinh năm 1998 cũng khẳng định mục tiêu ở SEA Games 31: "Tôi phấn đấu giành vàng ở nội dung chủ lực 10.000 m. Còn nội dung 5.000 m, tôi sẽ thi đấu cùng đồng đội".
Cự ly 10.000 m thực tế là nội dung đầu tiên Hồng Lệ giành được huy chương tại giải đấu khu vực. Chân chạy người Bình Định đạt thành tích 37 phút 06 giây 64 tại SEA Games 29 nội dung 10.000 m và có huy chương đồng. Ở giải chạy VĐQG diễn ra tháng 12/2021, Hồng Lệ phá kỷ lục quốc gia với thành tích 34 phút 1 giây 59.
Nếu duy trì thành tích này, Hồng Lệ có cơ hội lớn sẽ đổi màu thành công huy chương tại SEA Games 31 khi những VĐV giành huy chương vàng cự ly 10.000 m trong 2 kỳ đại hội gần nhất đều chỉ đạt mốc 36 phút.
Chân chạy duy nhất trong khu vực công phá được mốc 34 phút 1 giây 59 của Hồng Lệ, huyền thoại Triyaningsih của Indonesia, đã không dự SEA Games 30 và rất khó để đột ngột trở lại và duy trì vị thế thống trị khu vực trên đường chạy 10.000 m như trong giai đoạn 2007-2015.
Hồng Lệ vẫn còn trẻ và còn nhiều kỳ SEA Games trước mắt. Nếu đổi màu thành công huy chương cự ly 10.000 m tại SEA Games 31 sắp tới, giới quan sát có quyền kỳ vọng Lệ sẽ trở lại nội dung marathon ở những kỳ đại hội tiếp theo và làm được điều tương tự ở nội dung khắc nghiệt nhất của điền kinh.