Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Áp lực lớn ở sân chơi nhỏ

Việt Nam, Thái Lan cùng các ĐTQG “máu mặt” ở Đông Nam Á đều không thể giấu giếm khát vọng của mình với tấm HCV bóng đá nam của SEA Games 31.

Không hề là một sự trùng lặp ngẫu nhiên khi 2 đại diện ưu tú nhất của bóng đá Đông Nam Á hiện tại là Việt Nam và Thái Lan đều dành rất nhiều ưu tiên cho mục tiêu giành HCV bóng đá nam tại SEA Games 31, cho dù cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều không phải chưa từng có được thành tích này.

Trước khi SEA Games 31 diễn ra, VFF và VPF từng bị chỉ trích khá nặng nề vì việc tạm hoãn các giải quốc nội để U23 Việt Nam tập trung thi đấu tại SEA Games 31 (tháng 5) và VCK U23 châu Á (tháng 6). Thế rồi, chính quyết định của VFF và VPF lại trở thành tấm gương để Thái Lan noi theo.

Cách đây ít ngày, khi LĐBĐ Thái Lan (FAT) thông báo quyết định cân nhắc dồn lịch Thai-League và hoãn Cúp QG để U23 Thái Lan có được lực lượng tốt nhất tham dự SEA Games 31, một số đội bóng chuyên nghiệp Thái Lan đã phản ứng rất quyết liệt.

U23 Việt Nam đặt mục tiêu bảo vệ thành công HCV SEA Games 31.

Tình hình căng thẳng tới mức bà Nualphan Lamsan, nữ tỷ phú đang là Trưởng đoàn các ĐTQG Thái Lan, phải đăng tải một bài viết trên fanpage của các ĐTQG Thái Lan để giãi bày với các đội bóng và cả người hâm mộ Thái Lan. Bà Nualphan, hay còn được biết đến với biệt danh “Madam Pang”, viết: “Ở SEA Games 31 này, mỗi đội đều sẵn sàng và hy vọng chiến thắng cũng như U23 Thái Lan, đặc biệt là chủ nhà Việt Nam, họ đã hoãn giải quốc gia để tập trung các cầu thủ tập luyện và giữ gìn hình ảnh nền bóng đá.

Việt Nam, với tư cách là một chủ nhà, đã hoãn ngày thi đấu giải trong nước phù hợp với lịch “Ngày FIFA”. Điều đó đã khiến Thái Lan phải gặp khó để chuẩn bị cho đội tuyển U23. Thai-League vẫn còn nhiều trận đấu và đội tuyển U23 Thái Lan đã không thể sử dụng những cầu thủ hàng đầu. Mặc dù một số người cho rằng chúng ta nên đưa đội U19 quốc gia đi thi đấu nhưng nếu điều đó xảy ra, trong hoàn cảnh tất cả những nước khác đều đưa đội U23 đi thi đấu, chắc chắn điều đó là không tôn trọng đối thủ và danh dự của cả chúng ta nữa. Bóng đá nam ở SEA Games được coi là lễ hội thể thao và từ lâu đã có chỗ đứng trong khu vực. Chúng tôi không thể phủ nhận kỳ vọng của hầu hết người dân Thái đối với sự kiện này”.

Và nếu như U23 Việt Nam sử dụng tối đa quyền bổ sung cầu thủ quá tuổi vào danh sách tham dự SEA Games 31 thì U23 Thái Lan cũng không chịu kém cạnh, khi trong danh sách sơ bộ gồm 50 cầu thủ của họ có tên hàng loạt tuyển thủ Quốc gia đã quá tuổi U23 như thủ môn Kawin, trung vệ Roller, các tiền vệ Sarach, Worachit, Suphan, Phitiwat và Weerathep.

Tất nhiên không thể không kể tới việc FAT và Madam Pang muốn điều chuyển HLV Alexandre Polking từ ĐTQG Thái Lan sang dẫn dắt U23 Thái Lan tại SEA Games 31, một động thái được hiểu là nhằm nâng cao cơ hội giành HCV bóng đá nam cho Thái Lan, bởi HLV trước đó của U23 Thái Lan là Worawoot Srimaka không gây được ấn tượng và chỉ có thành tích khá nghèo nàn.

Chuyện một HLV trưởng ĐTQG lại cầm quân ở ĐT U23 Việt Nam tại một Đại hội thể thao có quy mô khu vực là điều không thường thấy ở các nền bóng đá tiên tiến, nhưng lại rất phổ biến tại Đông Nam Á, khi mà HLV trưởng ĐTQG đồng thời cũng thường là HLV trưởng U23 QG, như trường hợp của HLV Park Hang Seo với HLV Shin Tae Yong tại ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia, rồi bây giờ tới lượt Thái Lan noi gương.

Điều này cũng phản ánh một sự thực rằng chiếc HCV bóng đá nam SEA Games 31 quả thực là mục tiêu nghiêm túc đến không thể nghiêm túc hơn của cả Việt Nam lẫn Thái Lan, cho dù 2 nền bóng đá này đều đã sở hữu đầy đủ các danh hiệu ở cấp độ khu vực, và từng tham dự vòng loại World Cup thứ 3 của khu vực châu Á, nghĩa là đã chen chân vào nhóm các đội bóng xuất sắc nhất châu lục.

Đến Việt Nam và Thái Lan còn như thế thì chẳng trách các ĐTQG “máu mặt” còn lại ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia hay Singapore đều không thể giấu giếm khát vọng của mình với tấm HCV bóng đá nam của SEA Games 31. Nói áp lực lớn tại sân chơi nhỏ là có ý nghĩa như vậy.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới