Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 500.000 tấn nông sản của Đồng Nai nguy cơ bị 'mắc kẹt'

(VTC News) -

Hơn 500.000 tấn nông sản của Đồng Nai nguy cơ bị “mắc kẹt” không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Theo thống kê, tổng sản lượng nông sản cần tiêu thụ toàn tỉnh Đồng Nai trong tháng 7 và tháng 8/2021, ước tính hơn 500.000 tấn.

Trong đó, nhóm sản phẩm trồng trọt, tỉnh cần hỗ trợ 4 sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch hoặc sắp vào vụ thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 360.000 tấn, gồm chôm chôm, bưởi, thanh long, chuối già Nam Mỹ.

Hơn 500.000 tấn nông sản tỉnh Đồng Nai đang cần được tiêu thụ trong tháng 7 và tháng 8/2021.

Nhóm sản phẩm từ chăn nuôi, gồm thịt gà, thịt heo và thịt bò ước khoảng 130.600 tấn. Sản phẩm từ thủy sản, như cá lóc, rô phi, diêu hồng, cá trắm… sản lượng tiêu thụ ước tính khoảng 6.400 tấn.

Chiều 21/7, trả lời VTC News, ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản Đồng Nai cho biết, cơ quan chức năng tỉnh đang tìm “kịch bản” hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương có nông sản đang vào mùa thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8/2021.

“Chính quyền địa phường đang liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua nông sản để tiêu thụ cho bà con thông qua các đồi mối như ở TP.HCM, gồm các chợ truyền thống mới mở cửa lại, hệ thống siêu thị, bách hoá xanh…

Đối với việc vận chuyển, cơ quan chức năng đã cố gắng mở “luồng xanh” tạo điều kiện cho công nhân, lái xe vận chuyển nông sản kịp thời đến địa điểm tiêu thụ. Bên cạnh đó, Sở Công Thương và các mạnh thường quân thu mua nông sản trên địa bàn để cung cấp cho những địa phương bị ảnh hưởng dịch như huyện Long Thành, trảng Bom, Thống Nhất…”, ông Danh nói.

 Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn về nhân công thu hoạch nông sản.

Theo ông Danh, mục tiêu sản lượng nông sản được tiêu thụ trong 2 tháng 7 và 8/2021 vẫn tới hơn 500.000 tấn nông sản các loại. Trong đó, sản phẩm từ trồng trọt 367.000 tấn, chăn nuôi 130.600 tấn, thủy sản 6.400 tấn.

“Việc triển khai “kịch bản” phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành của tỉnh, địa phương và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ. Đảm bảo thuận lợi, linh hoạt, chủ động, phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, phạm vi quản lý”, ông Danh cho biết thêm.

Cũng theo ông Danh, hiện việc thu hoạch nông sản đang gặp khó khăn về nhân công thu hoạch vì nhiều vùng đang bị cách ly. Một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do không đảm bảo được "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ) và "3 cùng" (cùng làm việc, cùng đi một phương tiện, cùng nghỉ một nơi) cho người lao động. Vì vậy lượng hàng hoá vào các doanh nghiệp có xu hướng giảm.

Gian hàng 0 đồng do Sở NN&PTNT Đồng Nai tổ chức để hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ nông sản.

“Dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng bản thân liên kết thu mua nông sản giữa địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn hoạt động tốt. Theo dự kiến đến hết tháng 8, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh tiêu thụ hết 500.000 tấn nông sản cho bà con, vì vậy mong bà con cứ bình tĩnh, cơ quan chức năng sẽ cố gắng hỗ trợ hết mình”, ông Doanh nói thêm.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 2,48 triệu con. Giá heo hơi tại các nông hộ, trang trại dao động từ 53.000 – 56.000 đồng/kg, giá heo hơi hiện tại vẫn đang có xu hướng giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong tháng 6/2021, lượng thịt heo của tỉnh Đồng Nai cung ứng hàng ngày cho thị trường Đồng Nai là 15%, TP.HCM 45%, 40% còn lại tiêu thụ ở các tỉnh khác.

Để đảm bảo đầu ra cho 2,48 triệu con heo, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh cơ cấu hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã thu gom sản phẩm chăn nuôi để tiêu thụ cho người dân.

Liên quan đến việc kết nối cung cầu, tránh tình trạng hàng hoá bị dồn ứ cục bộ, đảm bảo nguồn hàng hoá lưu thông, góp phần ổn định cuộc sống của người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, Sở NN&PTNT Đồng Nai cũng đã ban hành thông báo số 3941 ngày 21/7, về việc thành lập đường dây nóng tiếp nhận các thông tin tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh bằng số điện thoại: 0967.854.489.

KHUẤT NGUYÊN

Tin mới